Với sự phấn khích và kỳ vọng vào hội nhập, nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra và basa ở Đồng bằng sông Cửu Long từng nhìn việc Việt Nam trở thành một phần của WTO như cây đũa thần sẽ giúp họ giải quyết các tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá với Mỹ.
Nhưng thực tế không xanh như thế. Những tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá đối với cá tra và basa của Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn dai dẳng và căng thẳng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên WTO.
Bất lợi cho phía Việt Nam nằm ở chỗ, Hiệp hội Các nhà nuôi cá da trơn Mỹ có ảnh hưởng lớn tới tiếng nói của giới chính trị Mỹ trong vấn đề này và chính quyền Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Báo chí và công chúng Việt Nam khi đó kịch liệt lên án việc Mỹ áp đặt các mức thuế chống bán phá giá, cho rằng, việc Mỹ sử dụng nước thứ ba mà điều kiện, chi phí nuôi trồng, sản xuất cá da trơn hoàn toàn khác với Việt Nam làm tham chiếu là phi lý.
Tôi nhớ khi đó, trên
Vietnam Investment Review (VIR) - tờ báo kinh tế đối ngoại bằng tiếng Anh của Cơ quan Báo Đầu tư - đã có rất nhiều bài viết ủng hộ ngành cá tra và basa của Việt Nam, với các viện dẫn đanh thép từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các chuyên gia, các luật sư uy tín của Việt Nam, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu thủy sản Mỹ và cả những nghị sĩ Quốc hội Mỹ như ông John McCain.
Không chỉ có vậy, VIR đã có bài viết chỉ ra rằng, WTO không phải là cây đũa thần, mà là một cuộc chơi và tranh chấp thương mại là một phần của cuộc chơi đó.
Một bài báo khác trên VIR viện dẫn câu nói của Tôn Tử trong cuốn Tôn Tử binh pháp: “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”.
Trích dẫn câu nói trên, bài báo ý nói rằng, gia nhập WTO, doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tốt cho cuộc chơi đó, phải hiểu luật chơi và hiểu những người chơi khác để chơi đúng và tránh xung đột; nếu có xung đột thì cần có các giải pháp dựa trên những hiểu biết này để giải quyết. Như vậy sẽ luôn có cơ hội chiến thắng.
Đối với VIR, 23 năm qua là 23 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên những chặng đường hội nhập của đất nước.
Các phóng viên của VIR không chỉ phản ánh những sự kiện hội nhập kinh tế lớn của đất nước, mà còn không ngừng phản biện, cố gắng tìm đến những góc khuất, những điểm gai góc của hội nhập để thông tin một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc đến cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do thương mại khu vực với một số tiêu chuẩn, yêu cầu được cho là cao hơn cả WTO. Đã có những lo lắng rằng, thông tin về TPP, về đàm phán TPP còn quá ít đối với doanh nghiệp Việt Nam, rằng doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ngóng thỏa thuận này, chứ hầu như chưa làm gì để chuẩn bị cho nó. Rất nhiều người đồng ý với những lo lắng này.
Các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi thế nào khi bước vào một cuộc chơi mới, cạnh tranh sẽ có hình thù ra sao khi Việt Nam mở cửa thị trường rộng hơn, sẽ phải cải cách doanh nghiệp nhà nước sâu rộng và quyết liệt đến đâu, làm gì với vấn đề minh bạch trong mua sắm tài sản công, với các yêu cầu về lao động, công đoàn… để chơi đúng trong cuộc chơi TPP?
Và còn biết bao vấn đề hẹp hơn, nhưng cũng không kém phần gai góc, như mở cửa nhập khẩu thịt từ các nước thành viên sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành chăn nuôi trong nước; hay xử lý ra sao vấn đề nhập khẩu lương thực, thực phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gene khi đang còn nhiều tranh cãi về tác động của các loại lương thực, thực phẩm này đến sức khỏe con người…
Những câu hỏi đó sẽ tiếp tục là những thách thức lớn, thử sự nhanh nhạy, bền bỉ và sắc sảo của làng báo Việt Nam nói chung và phóng viên VIR nói riêng, để hội nhập luôn là một câu chuyện thành công của Việt Nam, mà trong đó, con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam là những người hưởng lợi nhiều nhất.