Hội nhập, doanh nghiệp Việt cần làm ăn nghiêm túc

Câu chuyện được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu chia sẻ tại diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 8/6 vừa qua khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp một số ý kiến của đại biểu Quốc hội chiều 8/6/2015. Ảnh Đức Thanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp một số ý kiến của đại biểu Quốc hội chiều 8/6/2015. Ảnh Đức Thanh

Đó là việc 5 nước Liên minh kinh tế Á – Âu vừa ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam; Các nước thành viên (EEUV-FTA) sẵn sàng mở cửa cho các mặt hàng nông sản, dệt may, hải sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường của họ. Tuy nhiên, sau khi ký Hiệp định, họ nói một câu rất “hài hước” là: "Khi nhập khẩu tôm đông lạnh của các bạn, chúng tôi chỉ nhập tôm chứ không muốn nhập nước đá vì chúng tôi thừa nước đá rồi".

Bộ trưởng Vinh giải thích thêm: “Ý họ muốn chúng ta phải làm ăn nghiêm túc, chất lượng cao mới vào được thị trường châu Âu. Đây là thách thức với chúng ta, làm sao làm ăn cho nghiêm túc, giữ được uy tín”.

Câu chuyện Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do. “Chúng ta nói nhiều đến sức ép cạnh tranh từ bên ngoài thì chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn rất yếu, cung cách làm ăn của nhiều doanh nghiệp thiếu nghiêm túc với bạn hàng, đối tác. Điều đó là chính chúng ta tự hại mình chứ không ai hại chúng ta cả”, vị đại biểu quốc hội tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, theo vị lãnh đạo Ngành Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta không nên phê phán quá mức FDI vì chúng ta đang cần và không có nước nào không mong muốn có thu hút đầu tư nước ngoài vào mình, kể cả những nước lớn như Mỹ, Nga.

“Chuyến đi của Thủ tướng vừa rồi cũng như vậy, rất nhiều nước tha thiết, họ còn mở cửa hơn chúng ta và họ mong muốn chúng ta đầu tư vào họ. Ở đây có vấn đề đặt ra là tỷ trọng giữa FDI với doanh nghiệp trong nước, chính là làm sao để doanh nghiệp trong nước phát triển là điều tất cả chúng ta đều mong muốn và Chính phủ mong muốn. Bây giờ chúng ta thử hình dung nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa thì nền kinh tế của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một đề án của Samsung đến bây giờ đã giải ngân 11,3 tỷ USD, sẽ còn giải ngân tiếp trong năm nay khoảng 3 tỷ USD và thu hút hàng trăm nghìn lao động.

Một dự án là 40 ngàn lao động và những dự án tương tự như vậy đều khoảng 40 ngàn lao động, lương bình quân 5 - 10 triệu đồng/tháng. Điều này góp phần giải bài toán giải quyết khoảng 1,3-1,6 triệu việc làm mỗi năm của chúng ta. Vì vậy, dù có thể các dự án này chưa chuyển giao công nghệ, nhưng đang tạo cú huých.

Ngoài ra, Samsung đầu tư sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu điện thoại sang nước thứ ba. Theo số liệu thống kê, Samsung xuất khẩu chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nên nó tác động nhiều mặt cho nền kinh tế. Do đó, chúng ta thấy vẫn cần phải có những dự án FDI như thế.

Bản thân các doanh nghiệp FDI trăn trở ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển mạnh, nên giảm tính hiệu quả của họ khi đầu tư vào Việt Nam. Bởi không ai muốn đặt nhà máy ở Việt Nam lại nhập toàn bộ hàng hóa từ một nước khác vào để sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ vui mừng khi Quốc hội đã nhận ra điều này và đã quyết định bổ sung ngay lập tức, làm luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay trong khóa này.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc này, bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90%, thậm chí chiếm 95% số doanh nghiệp cả nước. Chúng ta cần phải có một hệ thống bằng luật, đồng bộ, toàn diện về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải những văn bản dưới luật như hiện nay. Hệ thống văn bản luật này phải tiếp cận rất hiện đại và thực tế để chúng ta có một nền tảng lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

"Chục ký hành tím không đổi được tô phở thì cay mắt lắm"

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ cần sớm có một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn.

“Vừa qua chúng ta hỗ trợ ngắn hạn. Bây giờ trung, dài hạn với lãi suất thấp, ổn định, trong thời gian từ 5-10 năm để giúp doanh nghiệp có thể mua sắm được máy móc, thiết bị, trang bị được công nghệ hiện đại mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể đứng vững được trong xu thế hội nhập”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (tỉnh Sóc Trăng) kể: “Quê tôi ở Sóc Trăng, nơi có củ hành tím nổi tiếng cả nước. Một tháng trước kỳ họp Quốc hội có bác nông dân gọi điện cho tôi nói rằng: 'Ông Khắc Tâm ơi, ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không? Chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được tô phở thì cay mắt lắm'. Tôi đáp lại là "Tôi xin chia sẻ khó khăn của bác, cũng như của các cô bác nông dân khác. Ngay lúc này tôi chưa giúp bác được gì, nhưng tôi hứa tôi sẽ đem câu hỏi của bác nêu lên trước Quốc hội".

Với tinh thần đó, đại biểu Tâm đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp, để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi".

“Đã đến lúc Quốc hội cần phải trả món nợ lâu ngày với nông nghiệp”, đại biểu Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan