Năng suất lao động Việt Nam hiện ở mức khá thấp trong khu vực
Khi AEC ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Đó là đánh giá chung của Báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện vừa công bố.
Cơ hội dịch chuyển cho lao động có chất lượng
Khi ra đời, AEC có quy mô GDP 2.200 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm, nhưng chênh lệch rất lớn, từ 1.000 USD/người (Campuchia, Myanmar) đến 40.000 USD/người (Singapore). Chênh lệch quá lớn về thu nhập có thể là nguyên nhân thúc đẩy di chuyển lao động trong khối.
Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế - lao động của ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nước ASEAN mới cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi AEC hình thành thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương.
Đây là những lao động thuộc nhóm lao động có chất lượng, được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh, ước tính sơ bộ, nhóm này chỉ chiếm 1% lực lượng lao động, nên số lao động tận dụng cơ hội để di chuyển ra nước khác làm việc sẽ không nhiều.
Nhìn nhận lao động trong nước, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, đội ngũ lao động Việt Nam không thể nói là hoàn toàn không có chất lượng, khi không ít người có thể đảm đương những vị trí cao của những doanh nghiệp đa quốc gia, có thể làm CEO cho các công ty nước ngoài.
“Như vậy, khi gia nhập AEC, chiến lược hoạt động hay chính sách đãi ngộ chính là yếu tố then chốt giúp giữ chân nhân sự có chất lượng”, ông Dũng nói.
Thách thức đối với lao động thiếu kỹ năng
Báo cáo cũng cảnh báo, 2/3 số việc làm mới được tạo ra khi hình thành AEC rất có thể là những công việc chất lượng thấp.
“Nếu không có sự quản lý quyết đoán, tiến trình thành lập AEC có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng và làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết của thị trường lao động như việc làm phi chính thức và lao động nghèo”, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ILO nhận định.
Tính đến tháng 4/2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó ở độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Điều đáng nói là, chất lượng lao động còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp, phần lớn chưa qua đào tạo. Hiện chỉ có 18,38% lao động qua đào tạo.
Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lo ngại rằng, khi AEC ra đời, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên. “Cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi AEC hình thành. Nếu người lao động không nâng cao kỹ năng thì họ có thể mất việc ngay tại sân nhà”.
Theo ông, điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ... Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải hỏi hỏi, cập nhật kỹ năng mới.
Đánh giá sự cạnh tranh trên thị trường lao động khi AEC ra đời, ông Huỳnh cho rằng, cũng không nên nhìn một chiều về mối đe dọa thua trên sân nhà, bởi lao động nước ngoài tới Việt Nam cũng cần biết tiếng Việt.
Tuy nhiên, ông Huỳnh thừa nhận, năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn lao động tại Lào và Campuchia, trong khi thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ông Dũng phân tích, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97%), phần lớn là lao động giản đơn, thiếu đội ngũ đào tạo gắn với doanh nghiệp, việc chuẩn bị hội nhập ASEAN chậm, kinh nghiệm thương trường yếu, nên rất khó thu hút lao động chất lượng cao khi thị trường lao động cạnh tranh gay gắt.
Để khắc phục những bất cập trên thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động, ông Cao Quang Đại cho biết, ngày 23/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Theo đó, 45 trường chất lượng cao sẽ đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và thế giới. Hiện tại, các chương trình của các nước tiên tiến đã được nhập về và giáo viên được cử đào tạo tại các nước đó.
“Chúng tôi hy vọng, khi học xong chương trình, lao động Việt Nam sẽ đạt được chuẩn kỹ năng so với các nước trong khu vực và các nước có trình độ tiên tiến”, ông Đại nói.