Rất nhiều nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các DN tiêu biểu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipines, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Mông Cổ, Srilanka đã đến dự hội nghị. Lãnh đạo quốc gia và học giả tên tuổi như ông Data' Sri Mohd Najib Tun Razak, Thủ tướng Malaysia; ông Korn Chatikavanij, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan; ông Kamal Nath, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ấn Độ; Giáo sư kinh tế Martin Feldstein và Laura D'Andrea Tyson - thành viên Ủy Ban cố vấn phục hồi kinh tế của Tổng thống Mỹ; ông John Major, nguyên Thủ tướng Vương quốc Anh, cố vấn đặc biệt của Credit Suisse đã có những thuyết trình và thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu, các chính sách kinh tế khu vực và quốc gia. Các chiến lược gia và chuyên gia phân tích hàng đầu của Credit Sussie cũng đưa ra những đánh giá về triển vọng về kinh tế và các TTCK châu Á. Thông tin từ các buổi thảo luận cho thấy, khả năng các nền kinh tế và các thị trường tài chính của những nước phát triển quay trở lại suy thoái trong năm 2010 là tương đối thấp. Các chiến lược gia của Credit Sussie đánh giá, nền kinh tế châu Á vẫn sẽ là một đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và các TTCK mới nổi của châu Á có thể tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2010.
Trong số các buổi thảo luận dành riêng cho những nền kinh tế và thị trường còn non trẻ (frontier markets) như Việt Nam, Mông Cổ, Srilanka, buổi thảo luận về Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của giới đầu tư quốc tế với hơn 100 thành viên tham dự. Buổi thảo luận có chủ đề "Kinh tế tư nhân & cổ phần hóa DN nhà nước Việt Nam: cơ hội & thách thức". Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là một trong 3 diễn giả từ các công ty tư nhân hàng đầu của Việt Nam được Credit Sussie lựa chọn tham gia thảo luận. Theo các diễn giả, nhà đầu tư quốc tế ngày càng có cái nhìn dài hạn hơn về đầu tư vào khu vực tư nhân của Việt Nam với trọng tâm hướng vào các ngành nghề lĩnh vực mang lại nhiều giá trị gia tăng. Các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm về môi trường đầu tư vào khu vực tư nhân và quá trình cổ phần hóa DNNN trong mối liên hệ với các vấn đề kinh tế vĩ mô và phát triển hạ tầng cơ sở của Việt Nam; sự gia tăng mức chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng như những thách thức của các công ty Việt Nam khi thực hiện huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế.
Nhận định về cổ phần hóa DN nhà nước tại Việt Nam, đại diện SSI, bà Nguyễn Thanh Hương bày tỏ niềm tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện cam kết cổ phần hóa DNNN. Về việc có sự trì hoãn trong quá trình cổ phần hóa, theo bà Hương, là khó tránh khỏi trong bối cảnh hệ thống tài chính còn non trẻ, phải chịu nhiều sóng gió từ cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu 2 năm qua. Theo bà Hương, một số DN thuộc các ngành đang được Chính phủ quan tâm như viễn thông và phân phối xăng dầu sẽ cổ phần hóa trong năm nay, mở ra một cơ hội mới cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một nội dung quan trọng khác trong hội thảo AIC là tổ chức gặp gỡ trực tiếp cho từng tổ chức đầu tư với những DN tiêu biểu trong từng quốc gia để tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong nội dung này, đại diện SSI đã làm việc với 8 nhà đầu tư tổ chức quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore. Đây là những tổ chức đầu tư có kinh nghiệm đầu tư với quy mô đầu tư tại châu Á lên đến nhiều tỷ USD. Trong chiến lược mở rộng đầu tư tại châu Á, các tổ chức này đã dành sự quan tâm nhất định đối với thị trường Việt Nam và đây là lý do khiến các tổ chức này đăng ký gặp SSI, với tư cách là một cầu nối đầu tư hàng đầu dành cho các tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hầu hết các tổ chức đầu tư đánh giá cao tiềm năng của kinh tế và TTCK Việt Nam trong dài hạn. Một yếu tố mà các tổ chức này rất quan tâm về thị trường Việt Nam là những vấn đề về kinh tế vĩ mô, nhất là vấn đề tỷ giá hối đoái. Sau những trao đổi của SSI về tình hình kinh tế vĩ mô, tỷ giá hối đoái và những chính sách kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai để lấy lại đà tăng trưởng cao trong các năm tới, các tổ chức đầu tư quốc tế đã thể hiện mong muốn sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam. Một số tổ chức đầu tư cho biết, họ sẽ sớm sang Việt Nam để tìm hiểu và lựa chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản đầu tư. Hội nghị AIC 13 cho thấy, quan tâm của giới đầu tư quốc về nền kinh tế và TTCK Việt Nam vẫn rất lớn. Nếu các vấn đề kinh tế vĩ mô được ổn định một cách bền vững, những luồng vốn ngoại mới chắc chắn sẽ tìm đến Việt Nam. Ngược lại, nếu các vấn đề kinh tế vĩ mô chưa được ổn định thực sự, thời gian để biến mối quan tâm của nhà đầu tư ngoại trở thành các khoản đầu tư thực sự sẽ còn dài.