Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Hội nghị Cấp cao APEC 2018: “Nóng” căng thẳng Mỹ- Trung

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo, bóng tối của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 đang diễn tại Papua New Guinea ngày 17/11 một lần nữa chứng kiến màn đối đầu căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc. Tranh cãi thương mại giữa hai nước thời gian vừa qua đã làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, nước này sẽ không chấm dứt các biện pháp thuế quan chừng nào Trung Quốc vẫn kiên quyết không chịu thay đổi hướng đi của mình. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo, bóng tối của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lịch sử đã cho thấy, tham vọng dựng lên những rào cản và phá vỡ các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ là đi ngược lại với các quy tắc kinh tế và xu hướng lịch sử. Đây là một cách tiếp cận ngắn hạn và cuối cùng sẽ thất bại.

Trong một phát biểu được xem là tấn công trực diện vào chính sách của Mỹ, ông Tập Cận Bình kêu gọi các nền kinh tế trên thế giới “nói không với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”: “Thế giới hiện đang trải qua nhiều thay đổi lớn, xu hướng toàn cầu hóa phải tiếp tục, nhưng chủ nghĩa đơn phương cùng chủ nghĩa bảo hộ đang phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế.

Chủ nghĩa bảo hộ không giúp giải quyết bất cứ vấn đề gì. Dù là chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại đều không có bên nào giành chiến thắng”.

Chỉ vài phút sau đó cũng tại diễn đàn này, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có màn đáp trả không kém phần gay gắt khi khẳng định, Mỹ sẽ không nhượng bộ trong vấn đề thuế quan. Theo ông, Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc và con số này có thể còn tăng lên gấp đôi. Chính phủ Mỹ hi vọng một sự cải thiện, song sẽ không thay đổi lập trường chừng nào Trung Quốc không thay đổi.

Những tháng gần đây, Mỹ và Trung Quốc trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Không bên nào chịu “xuống nước”, khiến các tranh cãi thương mại này làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa một Trung Quốc đang ngày càng hiện diện nhiều tại khu vực với một nước Mỹ mà vai trò đã phần nào suy giảm.

Điều này được thể hiện rõ trong bức ảnh chung đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo tham dự: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ở vị trí trung tâm, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại vắng mặt.

Nhằm bác bỏ những suy đoán về một sự giảm cam kết của Mỹ tại khu vực, Phó Tổng thống Mike Pence ngày 16/11 thông báo, Mỹ sẽ tham gia vào kế hoạch phát triển một căn cứ hải quân của Australia tại Papua New Guinea: “Mỹ sẽ hợp tác với Papua New Guinea và Australia theo sáng kiến chung của họ tại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus. Chúng tôi sẽ làm việc với hai quốc gia này để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền biển trên quần đảo Thái Bình Dương”.

Trên thực tế, sau sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump tại hai hội nghị lớn tại châu Á, thì chuyến công du châu Á lần này của Phó Tổng thống Mike Pence cũng không nằm ngoài mục đích trấn an các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ về việc Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực, đồng thời tìm kiếm cơ hội đề xuất giải pháp thay thế cho tham vọng về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Chính vì thế, những phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao APEC đã phần nào cho thấy rõ cuộc đối đầu thương mại không khoan nhượng và cuộc đua giành ảnh hưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Tin bài liên quan