Thông tin cách đây ít ngày về việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất quyền điều hành Cà phê hòa tan Trung Nguyên về tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ, đã một lần nữa có những ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng lâu nay. Tranh chấp thực tế đã xảy ra từ vài năm nay, sau rạn nứt tình cảm giữa ông Vũ và bà Thảo. Và điều này đã thêm một lần nữa cho thấy những điểm bất lợi của mô hình công ty gia đình, vốn khá phổ biến tại Việt Nam.
Thậm chí, không chỉ phổ biến tại Việt Nam, mà mô hình công ty gia đình chính là mô hình kinh doanh lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder… đều là các công ty gia đình.
Tại Việt Nam, cũng không thiếu các công ty gia đình đình đám, từ gốm sứ Minh Long, Thép Việt - Pomina, tới Kinh Đô, Biti’s… Tập đoàn Hoàn Cầu, Ngân hàng Nam Á của gia đình bà Tư Hường, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, hay Tập đoàn Doji của gia đình ông Đỗ Minh Phú… cũng là những cái tên nổi tiếng. Họ đều là những công ty kinh doanh thành công trên thương trường.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng thành công. Bởi thực tế, các chuyên gia cho rằng, có khá nhiều vấn đề liên quan đến mô hình công ty này cần phải khắc phục và giải quyết, từ việc hoạch định đội ngũ kế thừa, sự ảnh hưởng của cái bóng người sáng lập, những xung đột trong công ty gia đình, đến việc có nên sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình, quản trị và kiến tạo doanh nghiệp... Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nên giữ hay “buông” mô hình công ty gia đình thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời.
Tình huống tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đã có thương hiệu và kinh nghiệm trên thị trường, vốn được thành lập từ sự góp vốn của các anh em họ. Sự tin tưởng lẫn nhau và sự tham gia hết mình của những người thân trong gia đình đã đưa công ty phát triển mạnh mẽ.
Trong tương lai, có khả năng là 5-10 năm nữa, ông sẽ cổ phần hóa Khai Silk “Mục đích không phải vì tiền, mà là để tìm một CEO thật giỏi để đưa tập đoàn phát triển tốt nhất”
- Ông Hoàng Khải, ông chủ của Khai Silk
Tuy nhiên, trong tiến trình chuẩn bị hội nhập cũng như tìm những cơ hội kinh doanh nhằm bứt phá và đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới, thì việc điều hành theo mô hình gia đình đang khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức. Các đối tác mà doanh nghiệp có ý định hợp tác để phát triển kinh doanh đều tỏ ra e ngại khi nhận thấy yếu tố gia đình quá nặng nề trong bộ máy điều hành của doanh nghiệp. Thêm vào đó, do hệ thống nhân sự hầu hết là người thân trong gia đình, nên sự cạnh tranh, sự nỗ lực hay học hỏi, áp dụng kiến thức, kỹ năng mới ngày càng sụt giảm và khiến cho bộ máy có dấu hiệu trì trệ.
Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi các cổ đông cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần phải thay đổi và tiến hành tái cấu trúc lại bộ máy, tức là tập trung thay đổi hệ thống quản trị, lề lối làm việc và thuê những người có năng lực, có chuyên môn để điều hành công ty theo hướng chuyên nghiệp, thậm chí nếu cần thiết có thể thay cả CEO, thì CEO lại khăng khăng, không cần phải thay đổi mô hình kinh doanh gia đình, mà chỉ cần bỏ tiền để đào tạo, thuê tư vấn nhằm nâng cấp bộ máy là được.
Thực tế trên thị trường hiện nay, nhiều gia tộc Việt Nam vẫn giữ mô hình công ty gia đình. Nhưng cũng có công ty gia đình lại sẵn sàng “buông bỏ” mô hình đó. Ngay ông Hoàng Khải, ông chủ của Khai Silk mới đây cũng chia sẻ rằng, trong tương lai, có khả năng là 5-10 năm nữa, ông sẽ cổ phần hóa Khai Silk. “Mục đích không phải vì tiền, mà là để tìm một CEO thật giỏi để đưa tập đoàn phát triển tốt nhất”, ông Hoàng Khải nói như vậy và cho rằng, chuyện nối nghiệp, hay thừa kế, không nên mang nặng cách nghĩ của người Á Đông là phải duy trì nòi giống để giữ công ty gia đình.
“Các doanh nhân nổi tiếng như Bill Gates hay Warren Buffett, họ có nghĩ đến chuyện đưa con hay người nhà vào gánh vác để giữ doanh nghiệp họ đâu”, ông Hoàng Khải nói.
Giữ mô hình công ty gia đình hay không phần nhiều cũng phụ thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của đội ngũ lãnh đạo công ty. Phải làm thế nào cho đúng là cả một câu chuyện không đơn giản, mà nhiều doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt. Bởi thế, đây là chủ đề đã được lựa chọn để thảo luận, phản biện trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (31/7) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, ngày 1/8/2016. Bà Lưu Thị Châm, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Lưu sẽ ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình lần này.