Hồi hộp trước kỳ nghỉ lễ

Hồi hộp trước kỳ nghỉ lễ

(ĐTCK) Tính cả phiên sáng nay (25/4), thị trường chỉ có 3 phiên nữa là bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài gần 1 tuần và sau đó là tháng 5 với câu ngạn ngữ nổi tiếng ‘Sell in May and go away’.

Nhưng khi đã trải qua nửa cuối tháng 4 với nhiều phiên bán tháo, có thể những ngày nghỉ lễ lại có tác dụng như liều thuốc an thần, khiến tâm lý nhà đầu tư bình ổn hơn.

Triển vọng thị trường dưới góc nhìn kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam sau một thời gian trầm lắng đã xuất hiện các tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là những diễn biến tích cực trong quý I/2014 đang hỗ trợ đắc lực cho xu hướng tăng dài hạn của TTCK.

GDP quý I/2014 tăng 4,96%, cải thiện đáng kể so với mức tăng của quý I/2013. Chỉ số PMI liên tục nằm trên mức 50 điểm trong 8 tháng liên tiếp cho thấy khu vực sản xuất đang được mở rộng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, qua đó hỗ trợ cho xu hướng tăng giá cổ phiếu trong dài hạn.

Theo ước tính, lợi nhuận tổng thể của các doanh nghiệp niêm yết có khả năng tiếp tục tăng trưởng khả quan. Mức tăng trưởng dự kiến khoảng 13 - 16% (mức tăng trưởng năm ngoái là 13%).

Thứ hai, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp khi chỉ số CPI cuối quý I/2014 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,39% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009 trở lại đây. Điều này tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, giúp tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Về cơ bản, khi các yếu tố nền tảng của nền kinh tế ổn định sẽ làm giảm thiểu rủi ro đầu tư và khuyến khích dòng tiền tiếp tục chảy vào kênh đầu tư cổ phiếu. Nhìn về tổng thể, xu hướng của TTCK trong năm nay nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô vẫn là tích cực.

Xu hướng tháng 5

Trong tháng 4, thị trường xác lập đỉnh ngắn hạn tại mốc 609,46 điểm và trải qua hơn hai tuần cuối tháng giảm điểm mạnh. Diễn biến giảm điểm mạnh của thị trường trong nhiều phiên liên tiếp đã kích hoạt lượng cung giải chấp do nhiều cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn thị trường.

Do đó, việc đột ngột tăng trở lại hơn 11 điểm trong phiên giao dịch ngày 22/4 vẫn chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật. Diễn biến hồi phục này rất dễ khiến nhà đầu tư đua mua giá cao bị mắc kẹt khi nhiều nhà đầu tư nóng vội sợ lỡ sóng.

Vấn đề cơ bản là thanh khoản thị trường đang giảm về mức thấp cho thấy dòng tiền vào thị trường chưa thực sự cải thiện. Khối lượng giao dịch trung bình trong những phiên gần đây chỉ đạt xấp xỉ 90 triệu đơn vị, giảm hơn 40% so với thời điểm thị trường đạt trong vùng 590 – 609 điểm.

Về kỹ thuật, sau 3 tháng tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã hoàn thành mẫu hình 5 sóng tăng của sóng Elliot và hiện tại thị trường đã hoàn thành sóng C, tức là đáy ngắn hạn đã được hình thành. Và thông thường, giai đoạn tạo đáy, khối lượng giao dịch cũng sẽ rơi về mức thấp hoặc rất thấp với thời gian tích lũy đi ngang quanh vùng đáy, dự kiến có thể kéo dài từ 4 - 6 tuần trước khi phục hồi trở lại.

Về mặt thông tin, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết gần như không đạt như kỳ vọng của giới đầu tư, trong khi đó hàng loạt thông tin không mấy tích cực như giá xăng tăng, vụ án Vinalines, bầu Kiên được đưa ra xét xử; hay thông tin nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt bị bắt… liên tiếp diễn ra cũng ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư. Xét về khung thời gian, tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng không mấy tích cực đối với TTCK, nhất là khi kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây.

Đối với xu hướng dòng vốn ngoại, sau đợt bán ròng kéo dài hơn một tuần từ 7/4 - 14/4 và chủ yếu tập trung ở các mã lớn như DPM, VIC, HAG…, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại với tổng lượng mua ròng tính từ đầu tháng đến 23/4 đạt 1.500 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ VNM ETF tiếp tục huy động được 23,04 triệu USD trong tháng 4 là một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ sức cầu thị trường trong ngắn hạn. Về cơ bản, giai đoạn này khối ngoại vẫn mua ròng nhưng ảnh hưởng không nhiều đến diễn biến thị trường chung, bởi xu thế ngắn hạn, nhà đầu tư nội mới là nhân tố quyết định.

Tóm lại, thị trường đã tạo đáy ngắn hạn sau đợt giảm vừa rồi, nhưng khả năng sẽ lình xình đi ngang kéo dài do dòng tiền yếu và thiếu thông tin hỗ trợ. Bên cạnh đó, mức giảm giá của cổ phiếu vừa qua chưa đủ lớn và tạo sự hấp dẫn kéo dòng tiền đầu tư trở lại. Do đó, khả năng thị trường còn có thể có thêm một nhịp giảm nữa trước khi thực sự hồi phục đi lên. Vùng cân bằng sẽ nằm trong khoảng 550 - 560 điểm.

Chiến lược thích hợp của giai đoạn này là giảm sâu thì mua, lên cao thì bán, cổ phiếu cơ bản tốt nên từ từ tích lũy, gia tăng dần tỷ trọng tại các vùng giá hợp lý.

Tin bài liên quan