Hồi hộp đợi hỗ trợ

(ĐTCK) Những cam kết về việc hướng khoản tiền "thực" của gói kích cầu 1 tỷ USD cho DN nhỏ và vừa mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đưa ra tại phiên họp Chính phủ tháng 12 đang được DN đặc biệt quan tâm. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là cơ hội và cách tiếp cận khoản hỗ trợ này từ phía DN sẽ như thế nào? Hơn thế, cơ chế bù lãi suất sẽ được tiến hành ra sao để đảm bảo cả ngân hàng và DN cùng hưởng lợi từ hoạt động này.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp bù lãi suất cho DN thực sự là cách hỗ trợ hợp lý và hiệu quả nhất trong bối cảnh nhiều DN đang rơi vào tình trạng thiếu vốn. Tuy nhiên, cách triển khai, theo ông Cung, nên bù thẳng cho DN hơn là thông qua ngân hàng. "Giả dụ, các DN thuộc diện hỗ trợ phải trả lãi ngân hàng 1 tỷ đồng, thì được Nhà nước hỗ trợ bằng cách bù cho bao nhiêu phần trăm tổng số tiền phải trả theo quy định sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu và công bố. Còn  mối quan hệ giữa ngân hàng và DN vẫn tiếp tục thực hiện theo lãi suất thị trường để tiến hành các hợp đồng tín dụng", ông Cung khuyến nghị.

Cách làm này sẽ giải quyết được hai mục tiêu. Thứ nhất là tiền hỗ trợ đến thẳng địa chỉ của DN trong tiêu chí, không qua trung gian. Thứ hai là thị trường tín dụng sẽ vận hành bình thường và không bị tác động làm méo mó, nếu như có sự can thiệp vào lãi suất cho vay. Điều này đặc biệt cần thiết và có lợi cho hoạt động của ngân hàng, vốn cũng là DN.

Song, mấu chốt thành công trong thực hiện gói giải pháp này, theo ông Cung, vẫn là xác định rõ tiêu chí để thực hiện. Hiện nay, nếu như xác định chung chung là DN nhỏ và vừa thì có tới trên 96% DN của Việt Nam nằm trong diện hỗ trợ.

Trong khi đó, phải thừa nhận rằng, khá nhiều trong số này được thành lập để chớp thời cơ kinh doanh tăng đột biến vào những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2005 - 2007. Chính mục tiêu chớp thời cơ này đã khiến nhiều DN không hội tụ các điều kiện nền tảng quan trọng để phát triển bền vững. Theo những khảo sát độc lập của một số chuyên gia nghiên cứu, khá nhiều trong số DN gặp khó khăn, thậm chí buộc phải tuyên bố tạm dừng hoạt động là những DN mới thành lập trong vài ba năm trở lại đây. Tỷ lệ DN tạm dừng hoạt động tập trung khá nhiều trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện, dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ thương mại đơn thuần…

Thậm chí, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cảnh báo khả năng DN có thể che đậy những yếu kém nội tại, đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chính để có thể được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Rõ ràng là nếu địa chỉ hỗ trợ không chính xác, với nguồn lực hạn hẹp của ngân sách, hiệu quả của gói giải pháp kích cầu sẽ không đạt được.

Theo kinh nghiệm của Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ giai đoạn 1997 - 1998, DN được lựa chọn hỗ trợ phải chứng minh được năng lực thực sự trong phát triển, những khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời và bị hạn chế bởi khả năng tiếp cận nguồn lực. Các chuyên gia cho rằng, không thể dàn đều nguồn lực hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trong giai đoạn hiện nay, hơn thế, chia đều mà không rõ tiêu chí là lãng phí nguồn lực.

Hiệu quả của quỹ bão lãnh tín dụng cũng cần được xác định rõ trên nguyên tắc xây dựng cơ chế vận hành phù hợp. Phải nói lại rằng, với cơ chế hiện nay, quỹ bão lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa có thể nói là thất bại về mục tiêu hỗ trợ. Sau hơn 7 năm có cơ chế này, mới khoảng 3 quỹ bão lãnh tín dụng đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, với mục tiêu kích cầu vào một số dự án hạ tầng cấp bách như giao thông, cảng biển…, ông Cung cho rằng, cần xác định mục tiêu là kích cầu trong nước, có nghĩa là đặt các tiêu chí lựa chọn nhà thầu trong nước, vật liệu trong nước… Những máy móc, nguyên liệu nhập ngoại cần được cân nhắc một cách thận trọng để tránh mục tiêu kích cầu hướng ra ngoài. Có như vậy thì cơ hội mới rộng mở cho DN nhỏ và vừa trong chính sách kích cầu tổng thể của Chính phủ.