Hồi hộp chờ thương vụ M&A tiêu biểu 2014

(ĐTCK) 20 tỷ USD là giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam diễn ra trong 5 năm, từ năm 2013-2018, theo dự báo của các chuyên gia MAF, Marger Market và IMAA. 
Hồi hộp chờ thương vụ M&A tiêu biểu 2014

Các chuyên gia cũng thống kê cột mốc 5,1 tỷ USD là giá trị các thương vụ M&A năm kỷ lục 2012, năm 2013 con số này khoảng 4 tỷ USD. Sau giai đoạn hình thành thị trường, hoạt động M&A đang bước vào “làn sóng thứ hai” với quy mô 20 tỷ USD, hứa hẹn nhiều thương vụ bất ngờ, ấn tượng.

Hoạt động M&A tại Việt Nam bắt đầu được chú ý mạnh mẽ và minh bạch hơn khi Diễn đàn M&A - diễn đàn thường niên và lớn nhất về M&A tại Việt Nam - chính thức được Báo Đầu tư và đối tác AVM tổ chức vào năm 2010. Sở dĩ, sự kiện trở nên thu hút nhiều DN, nhiều chủ thể trong và ngoài nước là bởi tính chất vốn dĩ của M&A là riêng biệt. “Hầu hết các chủ thể không muốn công bố chi tiết các thương vụ M&A, nhất là về giá trị. Nhiều chủ thể muốn giữ bí mật kinh doanh nên không công bố chi tiết”, ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc AVM  nói.

Với tính chất đặc thù trên, không tổ chức nào có thể minh bạch toàn bộ bức tranh về hoạt động M&A, nhưng chọn ra những điểm nhấn, những thương vụ điển hình, những bài học lớn từ thành công, từ thất bại, là công việc mà Ban Tổ chức Diễn đàn M&A làm hàng năm. Điểm hội tụ của hoạt động M&A chính là sự kiện diễn đàn - nơi gặp gỡ của các chủ thể năng động nhất trên thị trường M&A - năm nay sẽ diễn ra vào ngày 7/8 tại TP. HCM. Con số nào phản ánh giá trị thị trường M&A 2013, 2014? Thương vụ nào sẽ được bình chọn và vinh danh năm nay? Ngành nghề nào là tâm điểm của M&A năm tới?... là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đang hướng về Diễn đàn.

Nếu như các năm trước, hoạt động M&A nổi bật chủ yếu đến từ đối tác ngoại, trong đó nhiều nhất là nhà đầu tư Nhật Bản, rót vốn vào DN Việt Nam, thì gần đây, hoạt động M&A giữa các DN Việt Nam với nhau dường như nổi trội hơn hẳn. REE từ một DN chuyên về cơ điện lạnh, bất ngờ mua hàng loạt công ty điện, than, nước; Viettel bất ngờ mua 70% cổ phần của Xi măng Cẩm Phả; MBS hợp nhất với VITS - ghi danh thương vụ hợp nhất CTCK đầu tiên tại Việt Nam; HDBank nhận sáp nhập DaiAbank và SGVF; PVFC hợp nhất Western Bank thành PVComBank và mới đây nhất, PAN - một DN chuyên ngành dịch vụ vệ sinh, bất ngờ công bố mua đến 53,2% vốn của CTCP Giống cây trồng Trung ương - DN ngành giống cây trồng lớn nhất tại Việt Nam… Những thương vụ gây sự chú ý lớn trong cộng đồng đầu tư Việt Nam như vậy, đang chờ đợi được xem xét và vinh danh tại Diễn đàn M&A năm nay.

Thống kê của AVM cho biết, năm 2013, có đến 478 thương vụ M&A diễn ra trong nước. Trong khi đó, số thương vụ đối tác ngoại mua DN Việt Nam, tuy không có thống kê đủ, nhưng đối tác lớn nhất là Nhật Bản chỉ thực hiện 20 thương vụ.

 “Làn sóng M&A” tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 được các chuyên gia dự báo sẽ rất mạnh mẽ. Điểm hay của diễn tiến này nằm ở chỗ, ngày càng nhiều DN Việt Nam biết cách tận dụng M&A như một giải pháp đặc biệt để “lớn” nhanh hơn.

Tin bài liên quan