Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ĐBQH khóa XII, XIII

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ĐBQH khóa XII, XIII

"Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, công an tỉnh không nên tham gia Hội đồng thẩm định giá đất"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Đất đai lần thứ hai do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 18/10 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất", ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến công tác xây dựng, ban hành và thẩm định giá đất.

Hội đồng nhân dân tỉnh phải ban hành nghị quyết về khung giá đất

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 18 mới đây Trung ương ban hành đã nêu rõ “Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định và giám sát việc thực hiện giá đất”. Như vậy là có sự khác biệt với cơ chế hiện hành tại Luật Đất đai 2013 và một số luật khác về chức năng, nhiệm vụ của HĐND.

Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu UBND cùng cấp trình HĐND thông qua và quyết định ban hành, vậy trong trường hợp này ai là người quyết định? Ông Phúc nêu vấn đề và nói rằng, nếu đúng tinh thần của Nghị quyết 18 thì việc vận hành này phải khác, HĐND phải ban hành một Nghị quyết về bảng giá đất chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra HĐND thảo luận để UBND quyết định bảng giá đất. Như vậy, Dự thảo Luật chưa bám sát tinh thần của Nghị quyết 18”.

Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung điều khoản quy định cụ thể về trình tự thủ tục để trình HĐND quyết định bảng giá đất để đảm bảo tính công khai minh bạch.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Ngoài ra, ông Phúc nêu quan điểm rằng, cần bám sát Nghị quyết 18 trong xác định giá đất.

Cụ thể, Nghị quyết 18 nói là "có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường". Lần này Nghị quyết đã viết khác hẳn so với trước là "xác định giá đất theo cơ chế thị trường".

Tuy nhiên, Điều 163 của Dự thảo hiện nay vẫn ghi "Nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất", rồi liệt kê việc xác định giá đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây: theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị, tuân thủ tính trình tự... "Xin hỏi các nguyên tắc được liệt kê này đã đảm bảo nguyên tắc thị trường hay chưa?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Theo ông Phúc, cần cân nhắc cái gì nên quy định thì phải quy định rõ ràng, có những vấn đề nên chăng chúng ta không quy định lại tốt hơn. Không quy định cũng là một hoạt động lập pháp. Bởi vì có những cái chúng ta không quy định thì nó lại mang lại giá trị thị trường, nghĩa là để cho thị trường vận hành.

Có những cái chúng ta không quy định thì nó lại mang lại giá trị thị trường, nghĩa là để cho thị trường vận hành

Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Cần cân nhắc kỹ thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất

Liên quan đến Hội đồng thẩm định giá đất, ông Phúc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ thành phần để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của Hội đồng này.

Cụ thể, theo ông Phúc, khi HĐND đã là cơ quan quyết định khung giá đất thì không nên tham gia vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất.

Ngoài ra, cũng không nhất thiết phải có vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong Hội đồng thẩm định giá đất. “Hãy để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng thẩm định, giám sát một cách độc lập như đúng chức năng vai trò của họ chứ không nên quy định vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất như dự thảo”, ông Phúc nêu quan điểm.

Một thành phần nữa, theo ông Phúc, cũng không nên có mặt trong Hội đồng thẩm định giá đất đó là Công an tỉnh. “Nếu Công an tham gia vào thì sau này quá trình điều tra sẽ diễn ra như thế nào?”, ông Phúc đặt câu hỏi và cho rằng, nên để Công an là một bộ phận độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo yếu tố khách quan.

Trong khi đó, ông Phúc cho rằng cần có vai trò của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bởi nhu cầu đất đai liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này tương đối nhiều.

“Chúng ta có thể nghiên cứu phương án trong dự thảo chỉ quy định thành phần cứng, còn cụ thể thành phần thì giao cho Chính phủ thực hiện”, ông Nguyễn Văn Phúc đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến

Cân nhắc giao tập đoàn bất động sản định giá đất

Đại diện cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện nay có một số vấn đề ảnh hưởng đến giá đất. Thứ nhất, việc nhà nước cung đất ra thị trường, nhưng đây đã là thị trường hay chưa? Thứ hai, giá trị của đất dưới góc độ hàng hóa - ở đây là quyền sử dụng đất - đã phản ảnh đủ giá trị ở trong thửa đất chưa? Và thứ ba là cách cung đất ra thị trường. Cuối cùng là quá trình tổ chức định giá đất.

Đơn cử, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, việc cung đất ra thị trường, quyền quyết định giá đất trong Nghị quyết 18 và trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đều do Nhà nước quyết định. Nhưng nếu Nhà nước cung đất ra thị trường và để đảm bảo đó đúng là thị trường, thì không thể giao cho một vài cá nhân quyết định về mặt hành chính.

"Nhưng hiện nay rất khó để chúng ta một cơ chế để tách bạch các cá thể này. Giá đất vẫn phải do Ủy ban nhân dân quyết định vì đây là hoạt động thường ngày của Uỷ ban", ông Tuyến nhận định.

Gợi ý cách giải quyết, ông Tuyến nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng có cách khác, như TP. Đà Nẵng vừa rồi đã giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tung sản phẩm ra thị trường thì giá đất sẽ đúng bản chất thị trường hơn. Hay kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, họ giao cho các tập đoàn nhà đất để bán đấu giá. Rõ ràng nếu chúng ta làm cách tung ra thị trường mà đúng bản chất của thị trường sẽ tốt hơn là việc giao cho cơ quan hành chính nhà nước”, đại diện cơ quan soạn thảo nhận định.

Tin bài liên quan