Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trình bày tham luận.
Tại Quảng Ninh, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Với TP.HCM việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Ở Hải Phòng, chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Những thông tin đáng chú ý trên được nêu trong các tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, sáng 25/3 tại Hà Nội.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Trình bày tham luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, năm 2023 HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 4 kỳ họp, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy thành 68 nghị quyết là các giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình như quyết nghị các chính sách hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid - 19, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Trong đó đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết thực trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025; cấp bổ sung vốn vay cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác xã liên hiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nguồn lực thông qua Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh,....;
Các quyết nghị được ban hành kịp thời đã tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước trong nhiều năm liên tiếp, ông Ký nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội nghị. |
Đòn bẩy hiệu quả để tận dụng cơ hội phát triển
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân trong năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp chuyên đề) và thảo luận, thông qua 249 Nghị quyết.
Trong đó có 25 Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội, gồm: 1 Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15; 6 Nghị quyết về quản lý đầu tư; 5 Nghị quyết về tài chính, ngân sách nhà nước; 3 Nghị quyết về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; 2 Nghị quyết về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 6 Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố; 2 Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố và tăng tốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
“Có thể nói việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Nhiều Nghị quyết đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai”.
Sau khái quát trên, ông Nhân dẫn chứng, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố (nhằm triển khai quy định tại khoản 1, Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15). Dự án có diện tích dưới 10 ha thì trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sẽ đơn giản hơn.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 17/2023/NQ-HĐND quy định:“Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất”(theo khoản 5 Điều 12 Nghị quyết số 98/2023/QH15) để đối tượng áp dụng được lựa chọn việc áp dụng quy định pháp luật có ưu đãi hoặc thuận lợi.
Các cơ chế, chính sách đặc thù đang dần phát huy giá trị thực tiễn, lãnh đạo Thành phố đã và đang tiếp tục tập trung triển khai các nội dung để đưa cơ chế chính sách vào cuộc sống phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục cùng đồng hành với Ủy ban nhân dân Thành phố, ông Nhân phát biểu.
Phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương
Trải qua 9 kỳ họp, HĐND thành phố đã ban hành 199 nghị quyết, qua đó, các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 35/2021/QH15 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần rất tích cực trong xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng,. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân tham luận.
Cụ thể, ông Quân nói, chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, ngày 02/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế.
Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cũng kịp thời điều chỉnh, cho ý kiến một số quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chung đô thị để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch trong xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng .
Theo ông Quân, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí đã khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước vừa đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương vừa để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố .
Trên cơ sở nguồn lực hiện có, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 2 Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021-2025 ; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực 15.475,62 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà Nghị quyết XVI Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra, ông Quân cho biết.