Có một điều hết sức buồn cười là khi VN-Index càng gần 1 ngưỡng hỗ trợ nào đó thì những niềm tin kiểu như “nó không thể xuyên qua ngưỡng này được” càng được nhắc tới nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày hôm sau, khi nó chính thức xuyên qua ngưỡng này thì niềm tin đó chuyển thành “vì nó đã xuyên qua ngưỡng này nên nó không thể xuống sâu hơn được”. Rồi ngày hôm sau nữa, khi VN-Index chứng minh là nó vẫn có thể xuống tiếp bằng cách xuyên qua một ngưỡng mới cách ngưỡng cũ cả vài chục điểm thì những niềm - tin - trên - mặt - giấy kia thậm chí lại càng dạt dào hơn, bởi “nó không thể xuống sâu hơn nữa, sớm muộn nó cũng phải lên”?!
Trong khi chúng ta nêu ra mọi lý luận như: tình hình làm ăn của doanh nghiệp vẫn tốt, Chính phủ sẽ có biện pháp cải thiện… làm đủ mọi loại phân tích để minh họa cho cái thuyết “không thể” thì thị trường lại luôn cho chúng ta thấy rằng, nó có thể làm mọi thứ, và có chăng điều “không thể” duy nhất mà chúng ta chứng kiến, đó là túi tiền của một số NĐT đã “không thể” chịu đựng thêm được nữa!
Trong giai đoạn thị trường như hiện nay thì có vẻ như một trong những vấn đề được “yêu thích” bàn luận nhất là “sự hoảng loạn của bầy đàn” và nhìn nhận NĐT nhỏ lẻ như một đám đông thiếu kinh nghiệm, đang hỗn loạn cực độ, thậm chí có thể đánh sập thị trường bất cứ lúc nào! Sau những bài nhìn nhận bao giờ cũng là những lời khuyên nhủ các NĐT phải biết nhìn về dài hạn, ai kiên nhẫn thì người đó thắng, ai không theo bầy đàn thì người đó kiếm được tiền…
Tất nhiên, tôi không nói rằng những lời khuyên nhủ hết sức vĩ mô kia là sai, thậm chí trong đa số trường hợp nó hiển nhiên đúng - bởi một lẽ đương nhiên là một thị trường dẫu có trải qua cơn đại khủng hoảng thì rồi nó cũng phải hồi phục, nữa là TTCK Việt Nam, vốn chỉ bị coi là điều - chỉnh - quá sâu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, cụ thể khi nào nó mới hồi phục thì lại chẳng có ai đủ dũng cảm để khẳng định! Nếu bạn là một NĐT nhỏ, nguồn tiền bạn đầu tư vào thị trường lại chỉ mang tính chất ngắn hạn, do bạn vay mượn, do lấy tạm từ một nguồn nào đó cần phải hoàn trả trong ít lâu nữa… thì liệu bạn chịu nhiệt được trong bao lâu? Liệu bạn có đủ tự tin để khẳng định trước những người đang hối thúc mình rằng “thị trường đã xuống đáy rồi, chắc chắn nó sẽ lên!”, trong khi thực tế thì nó đã xuyên hết cái “đáy” này đến cái “đáy” khác và bản thân bạn thì cũng không thể biết được khi nào nó sẽ lên?
Các NĐT của chúng ta tham gia vào thị trường chưa lâu, chưa có nhiều kinh nghiệm chinh chiến, đó có vẻ là cái cớ vô cùng hay để một số người “thích nói” gọi họ là thiếu bản lĩnh. Tuy nhiên, có thực tế là, bất kỳ một TTCK nào dù là lâu đời đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi những cuộc khủng hoảng hoặc điều chỉnh sâu trên chặng đường phát triển của nó. Và NĐT ở những nước đó có tiếp xúc với chứng khoán từ thời phổ thông thì đa số vẫn tạo nên những phiên bán tháo ở gần điểm đáy (và nói cho cùng thì nếu đa số không bán tháo chắc gì đã xảy ra khủng hoảng). Điều này đã gần như trở thành một quy luật.
Vì vậy, không kể là NĐT Việt, Mỹ hay Anh, dẫu TTCK nơi họ tham gia có phát triển mạnh mẽ lâu đời hay chỉ mới chập chững những bước đầu tiên, thì vẫn luôn luôn có một nhóm NĐT mang đặc điểm giống nhau về những ràng buộc vốn, mục đích đầu tư, thời hạn đầu tư… thúc đẩy họ hành động giống nhau tại cùng một thời điểm thị trường nhất định.
Hơn nữa, nếu chúng ta lật lại những bài phân tích nhận định dự đoán của đa số chuyên gia đưa ra trong quá khứ thì ắt hẳn sẽ thấy nó chẳng đúng được bao nhiêu, đặc biệt là những nhận định về các loại “đáy”. Nhưng các chuyên gia có thể đưa ra cả 10 dự đoán sai lầm khác nhau mà chắc chẳng ai “truy cứu” tới, nếu nó thuộc về ngày hôm qua. Còn NĐT thì mỗi quyết định của họ đều biểu thị rõ ràng trên tài khoản, có khi chỉ cần một quyết định sai lầm là có thể mất tất cả.
Do đó, tốt hơn hết là hãy tạm gác lại những dự đoán thiếu cơ sở khoa học, tránh gây nhiễu cho thị trường, để cho NĐT tự quyết định lấy lợi ích của họ. Nếu họ bỏ ra nhiều triệu đồng để đầu tư thì chắc hẳn cũng sẽ bỏ ra ít nhất là vài tiếng trong ngày để nghĩ về điều đó.