Phối cảnh tổng thể dự án khu du lịch Đại Dương. (Nguồn: Hodeco)
Hodeco sẽ chuyển nhượng 11,4 triệu cổ phiếu trong tổng 20,5 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu.
Hodeco cho biết, sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Công ty và đối tác sẽ cùng phối hợp triển khai dự án Khu du lịch Đại Dương trên nguyên tắc phát huy thế mạnh của các bên để sớm đưa vào vận hành, khai thác dự án.
Tính tới 30/6/2022, Hodeco đang sở hữu 100% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu, đơn vị có vốn điều lệ 205 tỷ đồng. Như vậy, ước tính Hodeco sẽ chuyển nhượng 55,6% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu và mất quyền quyết định tại đơn vị này cho đối tác do sở hữu còn lại dưới 51% vốn điều lệ.
Thêm nữa, Hodeco đang ghi nhận giá trị gốc đầu tư 540 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu, tương ứng 26.341 đồng/cổ phiếu. Nếu thực hiện chuyển nhượng trên giá gốc, Công ty có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến trong kỳ báo cáo.
Thông tin liên quan, CTCP Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương Vũng Tàu là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Đại Dương (tên thương mại là Antares) tại Chí Linh - Cửa Lấp, phường 11, TP Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 19,5 ha, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng. Trong đó, 45.107 m2 khu căn hộ du lịch nghỉ dưỡng; 25.541 m2 khu biệt thự du lịch nghỉ dưỡng; 81.104 m2 khu tổ hợp khách sạn 5 sao; 32.775 m2 diện tích đường giao thông; và 11.410 m2 dùng làm công viên hồ trung tâm.
Mục tiêu năm 2022, dự án Khu du lịch Đại Dương sẽ hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/500; hoàn thành giấy phép xây dựng condotel, 29 villa và 8 khách sạn; và hoàn thàn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 4 villa (mẫu), xây dựng hầm cùng 2 tầng nổi khối condotel 25 tầng.
Cơ cấu chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tính tới 30/6/2022. (Nguồn: BCTC). |
Tại thời điểm 30/06/2022, Hodeco ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu du lịch Đại Dương hơn 660,1 tỷ đồng so với đầu năm 640,3 tỷ đồng, tức tăng nhẹ 19,8 tỷ đồng so với đầu năm.
Với việc chuyển nhượng và không còn nắm quyền kiểm soát dự án do sở hữu dưới 51%, nhiều khả năng sau chuyển nhượng, Hodeco sẽ phải chuyển đổi cách ghi nhận trên Báo cáo tài chính.
6 tháng đầu năm hoàn thành 41,2% kế hoạch lợi nhuận năm
Trong quý II/2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 380,44 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 79,06 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 31,8% lên 40,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 42,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 46,5 tỷ đồng lên 155,46 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 275%, tương ứng tăng thêm 28,77 tỷ đồng lên 39,23 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,6%, tương ứng tăng thêm 2,38 tỷ đồng lên 19,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 780,3 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 177,11 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Hodeco đặt kế hoạch tổng giá trị đầu tư 4.189 tỷ đồng, doanh thu 1.913 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 429,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 245,6%, 35,67% và 38,11% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 41,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết tới năm 2007 tới nay
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính ghi nhận âm 396,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 148,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 71 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 433,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã phải huy động dòng tiền nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.
Được biết, trước đó năm 2021, Hodeco cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm tới 309,16 tỷ đồng và duy trì mô hình kinh doanh thâm hụt vốn tới thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, nếu xét về giá trị dòng tiền kinh doanh chính âm 396,5 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ khi niêm yết năm 2007 tới nay.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hodeco tăng 20,2% so với đầu năm lên 4.541,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 1.841,4 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.159,6 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 977,3 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, biến động lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn tăng 58,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 428,6 tỷ đồng lên 1.159,6 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 51,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 332,9 tỷ đồng lên 977,3 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý, tính tới 30/6/2022, Công ty đang ghi danh mục đầu tư chứng khoán với giá gốc là 110,4 tỷ đồng, trích lập dự phòng giảm giá là 19,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu ghi nhận đầu tư 106,24 tỷ đồng vào cổ phiếu CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (mã HUB), đã trích lập dự phòng khoản đầu tư là 19,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 31,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 426,4 tỷ đồng lên 1.769,8 tỷ đồng và chiếm 39% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9, cổ phiếu HDC tăng 2.600 đồng lên 40.450 đồng/cổ phiếu.