Ảnh Internet

Ảnh Internet

Học tập kinh nghiệm quản trị công ty tại Thái Lan

(ĐTCK) Từ khi Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty (QTCT) cho công ty đại chúng có hiệu lực (17/9/2012), TTCK Việt Nam đã chứng kiến nỗ lực của các DN niêm yết trong việc nâng cao chất lượng QTCT.

Với vai trò hỗ trợ DN niêm yết, trong năm 2015, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức nhiều hoạt động về QTCT cho các DN, trong đó có việc tổ chức đoàn DN niêm yết đi tìm hiểu kinh nhiệm QTCT tại các thị trường trong khu vực và nhận được sự hưởng ứng tích cực cũng như đánh giá cao của các DN.

Trong các quốc gia láng giềng ASEAN, Thái Lan là một thị trường có chất lượng QTCT cao trong khu vực, đặc biệt trong số các thị trường mới nổi (emerging markets). Theo báo cáo xếp hạng về QTCT năm 2009 của Governance Metrics International (GMI), Thái Lan đứng thứ 3 trong số các thị trường mới nổi về chất lượng QTCT.

Dựa trên những thành công của chương trình QTCT của Thái Lan và mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Thái Lan, mới đây, HNX đã phối hợp với Sở GDCK Thái Lan (SET) và Viện Quản trị công ty Thái Lan (IOD) tổ chức Đoàn công tác DN niêm yết HNX tham gia học hỏi và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về QTCT tại Thái Lan.

Theo đó, QTCT là cơ chế, quá trình tác động của cổ đông tới hoạt động của toàn công ty nhằm đảm bảo quyền lợi của mình và xã hội. Rộng hơn, QTCT phát triển đến bảo vệ quyền lợi của những người liên quan bao gồm cả nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước.

Xét theo đặc tính và cấu trúc, QTCT được xem là cơ chế thúc đẩy công bằng, minh bạch và tín nhiệm, cụ thể hoá việc phân phối quyền và trách nhiệm của HĐQT, người quản lý, cổ đông và những người liên quan, trong đó chỉ rõ quy định và quy trình ra quyết định về các vấn đề của công ty để xây dựng mục tiêu, cách thức đạt được những mục tiêu này, kiểm soát thành quả, đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.               

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã sử dụng những nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) như là một tiêu chuẩn cho việc thiết lập khuôn khổ QTCT, bao gồm các lĩnh vực sau: quyền của cổ đông; đối xử bình đẳng đối với cổ đông; vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của HĐQT.

Theo đó, khuôn khổ QTCT phải bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện các quyền của cổ đông; đảm bảo có sự đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài, mọi cổ đông phải có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền của họ bị vi phạm; công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã được pháp luật quy định hoặc theo các thỏa thuận song phương, khuyến khích công ty tích cực hợp tác trong việc tạo dựng tài sản, việc làm và ổn định tài chính cho công ty; công bố thông tin kịp thời và chính xác về các vấn đề thực tế liên quan đến công ty, cơ chế công bố thông tin tốt là cơ sở để thu hút vốn và tạo niềm tin cho các NĐT; đảm bảo định hướng chiến lược của công ty, giám sát có hiệu quả công tác quản trị của HĐQT và trách nhiệm của HĐQT với công ty và cổ đông, HĐQT cần làm việc vì quyền lợi tối cao của các cổ đông, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích của cổ đông cũng như những người có liên quan, có trách nhiệm công bố và minh bạch thông tin.

Tin bài liên quan