Hội thảo Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp

Hội thảo Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp

Học tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp tư nhân cách tuyển lãnh đạo cho DNNN

0:00 / 0:00
0:00
Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bàn cách đánh giá, tuyển chọn vị trí quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 4/12 đã dấy lên cuộc thảo luận về cách thức đánh giá, lựa chọn đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu dẫn đề, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đôi ngũ cán bộ cấp chiến lược tại doanh nghiệp nhà nước đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt - là cán bộ cấp chiến lược tại các doanh nghiệp nhà nước - đóng vai trò then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tham luận tại Hội thảo, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã nhắc tới những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn công tác, tham gia có hiệu quả trong công tác tái cơ cấu, xử lý khó khăn tài chính, góp phần đưa doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, thua lỗ, từng bước phát triển. Như tại Pacific Airlines, Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư và Thương mại Tràng Tiền; Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Vinaconex, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...

Tuy nhiên, thực tế là việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 đã đánh giá, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Quan trọng là chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Đặc biệt, một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống, như thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức; triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp... mà Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đưa ra chủ trương.

Hay chủ trương “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài” trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII..

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thừa nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

“Tuy nhiên, vẫn còn có một số cán bộ còn yếu kém về năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm”, ông Cảnh nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không an tâm với những đánh giá chung chung về đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm của ông Cung, bất cứ những thảo luận, đánh giá và đề xuất kiến nghị về cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước không thể tách rời khỏi sứ mệnh, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng.

“Không thể tách phần cán bộ riêng ra trong tổng thể đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, không tách ra khỏi khung khổ quản trị doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế...”, ông Cung đề xuất.

Điều này cũng đồng nghĩa với đòi hỏi thay đổi cách thức đánh giá, tiêu chí đánh giá; đánh giá theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả công việc quản lý..., từ đó mới có cách thức tuyển chọn phù hợp.

“Hãy nghiên cứu, học hỏi các bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước xem họ tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật … chủ tịch, tổng giám đốc, các thành viên HĐQT, Kiểm toán viên như thế nào. Tôi tin là tổng giám đốc hiện nay của Vinfast không có trong quy hoạch từ trước của ông Phạm Nhật Vượng, nhưng họ có cán bộ giỏi về chuyên môn và đạt được mục tiêu là vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, có năng lực cạnh tranh hơn”, ông Cung đề xuất.

Hội thảo có chủ đề Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp đã thu hút 100 đại biểu trực tiếp cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước.

Theo kế hoạch, Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị trong năm 2022.

Một số nội dung thảo luận về tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước

Một là, về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước: Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ đã được quy định đầy đủ trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế; tuy nhiên, Đảng chưa ban hành quy định riêng đối với công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo áp dụng theo Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, vẫn còn có sự thiếu đồng bộ giữa văn bản pháp luật của Nhà nước với các quy chế, quy định của Đảng (như về quy trình quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; nguyên tắc lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...). Ngoài ra, trong bản thân các cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự đầy đủ, chưa cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Hai là, về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ: Chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt; mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên, từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt. Còn một số vướng mắc trong quy định về quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy định về quy hoạch tương đương đối với cán bộ đến từ các cơ quan, ban ngành khác nhau. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn chưa phù hợp khi bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN …

Ba là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa.

Bốn là, công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan