Kết quả được công bố hôm 1/7 cho thấy, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 13 tháng trong tháng 6/2022. Sau khi các hạn chế liên quan tới Covid-19 được dỡ bỏ, các nhà máy phải “chạy đua” để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động này tại các nền kinh tế khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lại ghi nhận sự sụt giảm, điều này cho thấy căng thẳng do gián đoạn nguồn cung, chi phí gia tăng và tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn sẽ kéo dài.
Việc gỡ bỏ các lệnh phong tỏa của Trung Quốc được kỳ vọng có thể giúp giảm bớt các khó khăn trong chuỗi cung ứng, cho phép các nhà sản xuất tiếp tục hoạt động sau khi bị gián đoạn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao sẽ đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái và ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu nói chung.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế khác trong bối cảnh áp lực giá tiêu dùng tăng nóng đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và làm rung chuyển thị trường tài chính trong những tháng gần đây.
Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại sau một thời gian suy yếu. Đó sẽ là một cuộc giằng co giữa hai luồng nhận định, khi người vẫn không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu".
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất do ngân hàng Au Jibun Bank của Nhật Bản công bố đã giảm từ mức 53,3 điểm trong tháng 5 xuống 52,7 điểm trong tháng 6/2022, duy trì ở trên mức 50 điểm.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc cũng giảm xuống 51,3 trong tháng 6, từ 51,8 trong tháng 5, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp do hạn chế nguồn cung và cuộc đình công của các chủ xe tải trong tháng 6.
Chỉ số PMI của Ấn Độ trong tháng 6/2022 cũng cho thấy sản lượng của các nhà máy tại nước này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 9 tháng qua do áp lực giá cả tăng cao tiếp tục làm giảm cả về nhu cầu lẫn sản lượng.