Hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở châu Á bị ảnh hưởng trong tháng 8 do đại dịch

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở châu Á bị ảnh hưởng trong tháng 8 do đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 vào tháng 8 làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn khu vực, dấy lên lo ngại việc sản xuất ngừng trệ sẽ gây tạo ra thêm những thách thức cho nền kinh tế do tiêu thụ sụt giảm.

Dữ liệu về chỉ số PMI vừa công bố hôm thứ Tư (1/9) cho thấy Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với hoạt động của nhà máy ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia bị thu hẹp, thậm chí ngừng hoạt động vì đại dịch bùng phát.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc cũng sụt giảm trong tháng 8 lần đầu tiên sau gần 1,5 năm do ảnh hưởng từ Covid-19, nguồn cung tắc nghẽn và giá nguyên liệu thô cao đè nặng lên sản lượng.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng chứng kiến hoạt động sản xuất mở rộng với tốc độ chậm hơn trong tháng 8, dấu hiệu thiếu chip và ngừng hoạt động của nhà máy trong khu vực có thể trì hoãn sự phục hồi bền vững từ sự sụt giảm do đại dịch gây ra.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics cho biết: “Sự gián đoạn do virus đã gây thêm khó khăn cho các nhà sản xuất trong khu vực, bao gồm tình trạng thiếu chất bán dẫn và chi phí vận chuyển tăng cao”.

Sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất ở châu Á trái ngược với tình hình ở châu Âu, các nhà máy ở châu Âu chủ yếu được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng khi các nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao mở cửa trở lại.

Các cuộc khảo sát nhấn mạnh thiệt hại ngày càng lớn của Đông Nam Á khi số ca nhiễm gia tăng và các biện pháp phong toả đã làm tổn hại đến cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất.

Biến thể delta bùng phát trong khu vực đã khiến chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới phải đau đầu, nhiều nhà sản xuất phụ thuộc vào phụ tùng ô tô và chất bán dẫn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất giá rẻ như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Makoto Saito, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết: “Nếu các biện pháp phong toả chặt chẽ tiếp tục, Đông Nam Á có thể khó trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu”.

Chỉ số PMI tháng 8 của Nhật Bản giảm xuống 52,7 từ mức 53,0 trong tháng 7. Chỉ số PMI tháng 8 của Hàn Quốc cũng giảm xuống 51,2 từ mức 53,0 trong tháng 7.

Tại Việt Nam và Malaysia, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong toả và tình trạng lây nhiễm gia tăng buộc một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động.

Chỉ số PMI tháng 8 của Việt Nam đã giảm xuống 40,2 từ 45,1 trong tháng 7. Chỉ số PMI trong tháng 8 của Malaysia ở mức 43,4, tăng từ 40,1 trong tháng 7 nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50.

Từng được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt lại so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau đại dịch do sự chậm trễ trong việc triển khai vắc xin và sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm biến thể delta làm ảnh hưởng đến tiêu dùng và hoạt động sản xuất của nhà máy.

Mặt khác, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Ấn Độ cũng tăng trưởng chậm lại do sự suy yếu dai dẳng liên quan đến đại dịch đã đè nặng lên nhu cầu và sản lượng, buộc các công ty phải cắt giảm việc làm một lần nữa khi vừa mới hồi phục trong tháng 7.

Tin bài liên quan