Bảo hiểm Quân đội (MIC) là một trong những đơn vị tiên phong tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế

Bảo hiểm Quân đội (MIC) là một trong những đơn vị tiên phong tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần tư duy cải tiến liên tục

(ĐTCK) Sau khi Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và kinh doanh bảo hiểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/12/2012 tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg, các doanh nghiệp bảo hiểm từng bước thực hiện tăng cường năng lực quản trị và hoạt động một cách đồng bộ, toàn diện. Tuy nhiên, việc thực hiện chuẩn hóa các khâu trong quy trình hoạt động theo chuẩn mực quốc tế đến nay vẫn còn khá mới mẻ.

Bà Trần Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro, Deloitte Việt Nam đã chia sẻ một số nội dung liên quan. 

Từng tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp hoạt động trong khối tài chính - bảo hiểm, Deloitte có đánh giá gì về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam?

Theo nghiên cứu của Deloitte Việt Nam, thị trường bảo hiểm đang trên đà phát triển, thể hiện cụ thể trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 61.261 tỷ đồng, tăng 22,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đến thị trường này, thể hiện rõ nhất thông qua Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm liên tục được hoàn thiện, bổ sung để đảm bảo tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thực hiện các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Có thể nói, tốc độ phát triển của thị trường cộng với những cơ hội và thách thức của hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng không ngừng đổi mới quy cách quản trị, cách thức hoạt động để hạn chế rủi ro, tăng cường hiệu quả và phát triển bền vững.

 Bà Trần Thúy Ngọc

Tháng 11 vừa qua, Deloitte đã tư vấn cho dự án tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Bà có nhận xét gì về quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của khối doanh nghiệp này tại Việt Nam?

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, một trong những mục tiêu chính là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm trên 3 yêu cầu chủ yếu: an toàn vốn, quản trị rủi ro và minh bạch hóa thông tin.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ dựa trên kinh nghiệm thực tế hoạt động. Tuy nhiên, việc thực hiện chuẩn hóa các khâu trong quy trình hoạt động theo chuẩn quốc tế, xem xét đến hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, phát hiện gian lận sớm và xem xét yêu cầu đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Bảo hiểm Quân đội (MIC) là một trong những đơn vị chủ động đi tiên phong trong việc tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra của chính họ, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị trên cơ sở hợp tác với Deloitte.

Chúng tôi có lợi thế từ sức mạnh của mạng lưới toàn cầu để triển khai dự án này thông qua việc huy động các chuyên gia hàng đầu ở toàn cầu và khu vực, dày dạn kinh nghiệm về ngành bảo hiểm, tái cấu trúc quy trình kinh doanh cũng như quản lý thay đổi, kết hợp với đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước am hiểu sâu sắc thị trường và ngành kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

Với phương pháp tiếp cận và các công cụ thực hiện dự án đã được kiểm chứng và công nhận trên toàn cầu, Deloitte có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu về các dịch vụ tư vấn tái cấu trúc quy trình kinh doanh tại Việt Nam.

Chúng tôi cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao năng lực hoạt động và phát triển bền vững.

Theo bà, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai dự án này tại Việt Nam là gì?

Với kinh nghiệm đã triển khai thành công các dự án tương tự trong khu vực và Việt Nam, theo quan điểm của chúng tôi, có một số thuận lợi và thách thức khi thực hiện dự án tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Thách thức lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm về tầm quan trọng của việc tái cấu trúc quy trình này nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, vì việc triển khai các dự án như thế này tại thị trường Việt Nam là chưa nhiều.

Việc thực hiện quản lý thay đổi là một yếu tố quan trọng của bất kỳ dự án tái cấu trúc quy trình kinh doanh nào do thực hiện tái cấu trúc sẽ dẫn đến yêu cầu thay đổi cách nhìn nhận và trải nghiệm về các dịch vụ, về tổ chức của tất cả các cấp từ ban lãnh đạo, cấp quản lý, nhân viên trực tiếp thực hiện, đến khách hàng và nhà đầu tư.

Đồng thời, hệ thống cơ sở dữ liệu cần đầy đủ và hoàn thiện hơn để hỗ trợ việc phân tích hiện trạng và xác định các cơ hội cải thiện quy trình. Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy quản trị từ chính lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm để tạo tiền đề triển khai dự án tái cấu trúc quy trình.

Nếu một dự án tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có được sự cam kết cao về nguồn lực của cả doanh nghiệp bảo hiểm và đơn vị tư vấn với kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ chuyên gia từ thế giới và khu vực, cộng với sự am hiểu sâu sắc thị trường bảo hiểm Việt Nam thì dự án đó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thực tế và bền vững cho các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý gì để dự án tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thành công và đạt hiệu quả, thưa bà?

Có nhiều yếu tố để đảm bảo thành công của dự án tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chẳng hạn quản lý thay đổi hiệu quả. Việc tái cấu trúc quy trình trong hoạt động kinh doanh thành công đòi hỏi những thông điệp về mục tiêu của dự án rõ ràng, về yêu cầu thay đổi phải được truyền đạt trong toàn doanh nghiệp.

Những nỗ lực tái cấu trúc không thể thực hiện nếu thiếu sự cam kết về các mục tiêu của toàn công ty. Cam kết của ban lãnh đạo là điều kiện tiên quyết cho thành công của dự án.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần bố trí nhân sự hiệu quả. Quy trình kinh doanh có liên quan đến nhiều bộ phận, phòng ban, do đó nhóm thực hiện dự án tái cấu trúc quy trình cần có sự tham gia của đại diện của các phòng ban, đây thực sự là những người có hiểu biết sâu sắc về quy trình, hiểu biết về ngành.

Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường nhằm đem lại những ý kiến đánh giá chuyên sâu và những kinh nghiệm đã được đúc kết từ nhiều năm.

Ngoài ra, phương pháp tiếp cận phải có tính hệ thống và mang tính thực tiễn. Cách thức tiếp cận đối với các dự án tái cấu trúc yêu cầu phải có hệ thống và phương pháp, nhưng vẫn cần có tính thực tiễn để đảm bảo các giải pháp và khuyến nghị được đưa ra phù hợp với mục tiêu dự án.

Lưu ý, tái cấu trúc quy trình là một quá trình liên tục và nên được coi là một chiến lược cải tiến giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ định hướng chức năng truyền thống sang định hướng gắn với các mục tiêu chiến lược. Ngoài những nỗ lực tái cấu trúc ban đầu, tư duy cải tiến liên tục phải được áp dụng để thực hiện cải tiến liên tục và phù hợp với các nhu cầu kinh doanh.

Tin bài liên quan