Công bố thông tin đầy đủ, kịp thời là yêu cầu lớn nhất của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp.

Công bố thông tin đầy đủ, kịp thời là yêu cầu lớn nhất của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp.

Hoạt động IR, nhìn từ câu chuyện của Dabaco (DBC) và PV Power (POW)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) chưa được chú trọng, hoặc chưa được quan tâm đúng mức, đúng cách.

Dabaco “ém” thông tin?

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (Dabaco, mã chứng khoán DBC) diễn ra sáng 29/4, nhiều cổ đông thắc mắc, vì sao đã hết tháng 4 mà Công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý I (theo quy định là phải công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý)? Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco Nguyễn Như So nói: “Lợi nhuận giảm, công bố sớm làm gì để cổ phiếu lại giảm giá”.

Chiều cùng ngày, Dabaco công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Theo đó, lãi gộp trong quý đầu năm nay của Dabaco giảm 60%, lãi sau thuế giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái (do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và giá nguyên liệu tăng cao).

Kết quả trên khiến cổ phiếu DBC giảm giá mạnh 5 phiên liên tiếp, từ mức 31.100 đồng/cổ phiếu ngày 29/4 xuống 24.900 đồng/cổ phiếu ngày 10/5, “bốc hơi” khoảng 23% thị giá. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, giá cổ phiếu DBC sau đó giảm xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua (16/5).

Thực tế, đa số cổ phiếu có diễn biến giá đồng pha với thị trường chứng khoán, nhưng yếu tố quyết định đến xu hướng giá vẫn là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, nếu doanh nghiệp “ém” lại thông tin thì một số đối tượng biết được có thể mua vào cổ phiếu trước khi tin tốt được công bố, hoặc bán ra cổ phiếu trước khi tin xấu được công bố. Đây được coi là giao dịch nội gián, vì sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt cao nhất 7 năm tù (Điều 210, Bộ luật Hình sự).

“Tôi không nghĩ Dabaco ém thông tin, câu trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp tại đại hội cổ đông nhiều khả năng là câu nói đùa, nhưng có thể người khác không nghĩ như vậy và cho rằng công tác IR có vấn đề”, một nhà đầu tư nói.

PV Power là một ví dụ về IR có vấn đề

Liên quan đến IR, nhà đầu tư trên cho biết, ngày 19/9/2021, tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power, mã chứng khoán POW) xảy ra sự cố nghiêm trọng làm “chết” một trong hai tổ máy chính thuộc Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, anh chỉ biết sự cố đó khi đọc báo cáo phân tích của công ty chứng khoán sau buổi PV Power gặp gỡ chuyên viên phân tích ngày 22/12/2021.

Ngoài ra, mặc dù tổ máy “tê liệt” nhiều tháng, khiến doanh thu sụt giảm, nhưng báo cáo kinh doanh hàng tháng của PV Power cũng chỉ đề cập sơ sài: “nhà máy đang tạm dừng tổ máy 1 để xử lý sự cố”.

“Đây là ví dụ điển hình về việc nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa quan tâm đúng mức, đúng cách đến hoạt động IR trong truyền thông tài chính cho doanh nghiệp. Bởi thế, tại nhiều cuộc họp đại hội cổ đông, lãnh đạo không ít doanh nghiệp bị cổ đông chất vấn: vì sao doanh nghiệp hoạt động tốt mà giá cổ phiếu không tăng tương xứng, có phải vì công tác quảng bá chưa tốt hay không?”, nhà đầu tư trên nói.

IR không thể gián đoạn

Bà Lý Thị Hiền, Trưởng phòng Phân tích cấp cao, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, IR là một hoạt động chuyên biệt trong công tác quan hệ công chúng (PR), bao gồm xây dựng chiến lược cổ đông, công bố thông tin, quảng bá hình ảnh hoạt động doanh nghiệp, qua đó xây dựng thương hiệu cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Ở những nước phát triển, hoạt động IR đã được vận hành và chuẩn hoá nhiều năm, nhưng tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động này, hoặc chưa có đủ nguồn lực.

“Một số doanh nghiệp thường triển khai rầm rộ hoạt động IR (như tổ chức road show, gặp mặt nhà đầu tư, làm chiến dịch truyền thông trên báo) trước mỗi đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, hay trước khi chuyển sàn giao dịch, sau đó bỏ mặc hoạt động này.

Nhiều doanh nghiệp chỉ công bố các thông tin bắt buộc, chứ chưa ý thức được rằng IR là truyền thông chủ động. Có doanh nghiệp thuê công ty chứng khoán lên kế hoạch, triển khai thử hoạt động IR trong một năm rồi bỏ ngang, trong khi hiệu quả của IR chỉ thực sự rõ nét sau quá trình vận hành liên tục 3 - 5 năm”, bà Hiền cho biết.

Theo kết quả cuộc bình chọn “Doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất năm 2021”, có 335/724 doanh nghiệp niêm yết được khảo sát chưa đạt chuẩn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Kết quả cuộc bình chọn “Doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất năm 2021” cho thấy, trong 724 doanh nghiệp niêm yết được khảo sát chỉ có 389 doanh nghiệp đạt chuẩn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) được bà Vũ Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư IR Việt Nam đánh giá là điển hình về doanh nghiệp có hoạt động truyền thông tài chính, quan hệ cổ đông thành công. Từ năm 2005, Công ty đã có phòng quan hệ cổ đông với những chuyên viên am hiểu tài chính và PR. Hoạt động này được Vinamilk duy trì, giúp doanh nghiệp được các định chế tài chính đánh giá cao về tính minh bạch và nhà đầu tư tin tưởng.

Một doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao về công tác IR là Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) khi sử dụng website làm chuyên trang thông tin dành cho cổ đông, các bản tin được trình bày bằng đồ hoạ ngắn gọn, dễ hiểu, cổ đông có thể đăng ký nhận bản tin qua email…

Nhìn chung, công bố thông tin đầy đủ, kịp thời là yêu cầu lớn nhất của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp.

Cần xác định đủ nhóm đối tượng để truyền thông

Trong mùa đại hội cổ đông 2022, không ít phóng viên tài chính nhờ một số nhà đầu tư quen biết uỷ quyền dự họp để phản ánh nội dung đại hội cũng như khai thác thông tin sâu hơn về doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu “khát” thông tin của các nhà đầu tư chứng khoán nói riêng, toàn thị trường nói chung.

Trưởng ban quan hệ cổ đông tại một doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vừa qua, người đặt câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo doanh nghiệp nhiều nhất không phải các cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, mà là phóng viên.

Vị trưởng ban quan hệ cổ đông trên cho hay, ông cởi mở với báo chí, dù thường xuyên nhận được những câu hỏi dạng “xoáy sâu”, bởi minh bạch thông tin sẽ tạo niềm tin nơi nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông được lãnh đạo doanh nghiệp nhắc nhở cần thận trọng khi nói về các vấn đề thuộc dạng nhạy cảm, không tích cực như triển vọng hoạt động gặp khó khăn.

Thực tế, các doanh nghiệp thường có xu hướng “tốt khoe, xấu che”, sớm chia sẻ tin tốt, thậm chí phóng đại lên, còn tin xấu thì nói giảm, nói tránh, hoặc từ chối trả lời.

Đáng lưu ý, không ít doanh nghiệp “né tránh” phóng viên khi liên hệ khai thác thông tin. Liên quan đến vấn đề này, bà Vân nhận định, hoạt động IR doanh nghiệp hiện có một thiếu sót là chưa xác định đủ nhóm đối tượng để truyền thông. Theo đó, đa số doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào nhóm nhà đầu tư bên ngoài (nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư) mà chưa chú trọng đến cổ đông nội bộ, chuyên viên phân tích, môi giới, nhà cung cấp, đối tác, khách hàng, phóng viên tài chính...

“Đây là thiếu sót lớn, bởi những đối tượng này hoạt động rất tích cực, có thể tác động đến các quyết định mua bán, đầu tư trên thị trường”, bà Vân nói.

Tin bài liên quan