Nhờ nửa đầu năm bùng nổ về hoạt động IPO trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ trên toàn cầu, các đợt IPO trong khu vực đã đạt 190 tỷ USD trong năm nay, đạt mức kỷ lục và tăng 31% so với năm 2020. Nhưng động lực đã yếu đi đáng kể trong những tháng gần đây do Bắc Kinh đưa ra một loạt quy định đối với doanh nghiệp tư nhân, khiến các hoạt động niêm yết lớn bị đình trệ và tạo ra những bất ổn cho năm tới.
Các ngân hàng đầu tư cho biết, họ kỳ vọng hoạt động IPO của châu Á sẽ ít bùng nổ hơn và cân bằng hơn vào năm 2022 vì lạm phát cao hơn làm xói mòn định giá của các công ty công nghệ và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ làm giảm nguồn cung tiền nhàn rỗi.
Nhưng toàn cảnh các cổ phiếu niêm yết mới cũng có thể trông đa dạng hơn, với việc Hàn Quốc và Ấn Độ đi trước và các ngành công nghiệp từ năng lượng sạch đến dịch vụ tài chính lấp đầy khoảng trống mà các hoạt động niêm yết mới tại Trung Quốc bị chậm trễ.
Các công ty trên khắp châu Á Thái Bình Dương có giá trị các thương vụ IPO cao kỷ lục |
William Smiley, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần tại Goldman Sachs ở châu Á cho biết: “Các thị trường vào năm 2022 sẽ đối mặt với một môi trường bình thường hóa hơn. Việc rút kích thích tài chính và tiền tệ cùng với kỳ vọng lạm phát cao hơn có thể thách thức các tài sản rủi ro, bao gồm cả thị trường chứng khoán”.
Sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ về các vấn đề từ bảo mật dữ liệu đến lỗ hổng lâu nay được các công ty niêm yết ở nước ngoài sử dụng, cũng được cho là sẽ tiếp tục làm chậm tốc độ huy động vốn từ lĩnh vực này.
Điều này cộng với hoạt động chậm chạp của thị trường thứ cấp đã đẩy thị sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông - một điểm đến phổ biến của các công ty công nghệ Trung Quốc đại lục ra khỏi ba địa điểm niêm yết hàng đầu thế giới.
Chuyển hướng khỏi Trung Quốc
Một số công ty Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi sự kìm hãm quy định của Bắc Kinh hoặc những công ty hưởng lợi từ các ưu tiên phát triển của quốc gia, bao gồm các nhà cung cấp năng lượng mới và các nhà sản xuất xe điện.
Magnus Andersson, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Morgan Stanley cho biết, năm mới sẽ chứng kiến một nhóm công ty đa dạng hơn tham gia vào thị trường.
“Đó không chỉ là bán lẻ, internet và công nghệ, mà còn là các tổ chức tài chính và công nghiệp hơn”, ông cho biết.
Sự hiện diện ít ỏi của công nghệ Trung Quốc cũng sẽ giúp hoạt động IPO của khu vực trở nên cân bằng hơn về mặt địa lý vì Hàn Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ có nhiều thương vụ IPO khác.
Các công ty ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia đều đã huy động được số tiền kỷ lục thông qua IPO trong năm nay. Còn nhiều thương vụ IPO lớn nữa đang được tiến hành, bao gồm thương vụ 10,8 tỷ USD của LG Energy Solution tại Hàn Quốc và Life Insurance của Ấn Độ chào bán với mức định giá lên tới 131 tỷ USD.
Selina Cheung, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á tại UBS Group AG cho biết, một số kỳ lân công nghệ lớn nhất Đông Nam Á cũng dự kiến sẽ IPO vào năm tới. "Bây giờ là thời điểm thích hợp khi sự chú ý của các nhà đầu tư đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn”, ông cho biết.
Các đợt IPO sắp ra mắt
Bất chấp kỳ vọng về số thương vụ IPO ít hơn từ các công ty công nghệ Trung Quốc, một số lượng gia tăng các công ty cùng ngành được giao dịch tại Mỹ có khả năng sẽ tìm kiếm niêm yết ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải, một hiện tượng được gọi là “trở về nhà”.
10 công ty Trung Quốc lớn nhất đang niêm yết ở Mỹ |
Một số cái tên nổi bật của trung tâm tài chính châu Á trong những năm gần đây bao gồm Weibo, Baidu và Alibaba Group Holding.
Một danh sách các công ty dự kiến sẽ niêm yết ở Hồng Kông là gã khổng lồ gọi xe Didi Global và nền tảng video trực tuyến IQiyi trong khi Futu Holdings Ltd., Tencent Music Entertainment Group và Pinduoduo Inc. cũng có thể là những ứng cử viên.