Những nỗ lực, tâm huyết của nhiều cơ quan báo chí đã góp phần làm cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng gần gũi hơn với cử tri, với nhân dân.
Trả lời báo chí là gián tiếp trả lời cử tri
Mỗi kỳ họp Quốc hội, nếu thiếu báo chí, ít phóng viên tác nghiệp, đặc biệt là thiếu phóng viên nghị trường luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng với hoạt động của Quốc hội tác nghiệp ở hành lang Phòng họp Diên Hồng thì chắc là buồn lắm.
Chính vì vậy, tôi đã đề nghị với nhiều đại biểu Quốc hội là phải chịu khó gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với phóng viên. Nếu nhiều đại biểu Quốc hội ngại tiếp xúc, trả lời báo chí, thì phóng viên chỉ có thể gặp gỡ, tiếp xúc và phỏng vấn một số ít đại biểu.
Tôi đi tiếp xúc cử tri, nhận phản ánh, Quốc hội có gần 500 đại biểu, tại sao kỳ họp nào cũng chỉ có mấy đại biểu trả lời báo chí. Như vậy, việc trả lời phóng viên không đơn thuần là trả lời báo chí, mà thực ra là đại biểu Quốc hội đã gián tiếp trả lời những câu hỏi cử tri quan tâm, xã hội bức xúc qua cầu nối trung gian là báo chí.
Rất mừng là vài kỳ họp Quốc hội gần đây, đã có thêm một số đại biểu sẵn sàng gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí để trình bày quan điểm, chính kiến của mình về nhiều vấn đề. Nhờ vậy, qua báo chí, không khí kỳ họp Quốc hội đã phong phú hơn, nhiều sắc màu hơn.
Tôi đánh giá rất cao sự đổi mới của một số cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin về hoạt động của Quốc hội. Theo dõi nội dung các chương trình, chuyên trang, chuyên mục của nhiều báo, đài về hoạt động của Quốc hội, có thể nhận thấy thông tin về hoạt động của Quốc hội ngày càng được nhiều cơ quan thông tấn báo chí đưa một cách đều đặn hơn, kịp thời hơn, bám sát hơn vào các hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội.
Cách truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội cũng phong phú, đa dạng và sáng tạo hơn. Chẳng hạn như việc đưa tin về lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 đã được phản ánh, phân tích bằng những hình ảnh, đồ họa rất sinh động, dễ hiểu. Hay như hoạt động chất vấn tại các kỳ họp được thông tin không chỉ rất kịp thời, mà còn có nhiều bài bình luận, phân tích rất chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực .
Có nhiều dịp làm việc với các phóng viên, tôi cũng nhận thấy sự tâm huyết, nhiệt tình trong công việc của phóng viên đưa tin về hoạt động của Quốc hội. Những nỗ lực, tâm huyết cũng như sự chuyển biến tích cực của nhiều cơ quan báo chí đã góp phần cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi hơn với cử tri, với nhân dân hơn. Tôi ghi nhận nỗ lực, kết quả này của các cơ quan báo chí, đặc biệt là đội ngũ phóng viên đã và đang đồng hành cùng cơ quan dân cử.
Thông qua các phóng viên nghị trường, thông tin về các kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội phong phú hơn, nhiều sắc màu hơn.
Người dân hiểu cơ chế, chính sách qua báo chí
Cơ quan báo chí phải thực sự là diễn đàn thảo luận, là nơi thể hiện những thông tin, ý kiến phản biện chính thức về mọi khía cạnh xung quanh dự luật, chính sách. Trong việc thực hiện vai trò này, thì ý thức, trách nhiệm của phóng viên, biên tập viên hết sức quan trọng.
Cách thức đưa tin, nội dung thông tin về chính sách phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, tránh thông tin một chiều, thiên lệch hoặc thiếu tính xây dựng, đưa ra những định kiến không phù hợp về nội dung dự luật.
Tôi ví dụ, khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Qua 3 kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về nội dung này và cuối cùng thì quyết định không đánh thuế thu nhập cá nhân hay xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Điều này không có nghĩa là chúng ta nhẹ tay với hành vi tham nhũng, nhẹ tay trong việc xử lý tài sản bất minh, mà hành vi tham nhũng bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Luật Phòng, chống tham nhũng không quy định đánh thuế hay xử phạt vi phạm hành chính đối vơi tài sản, thu nhập không giải trình được là do đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình. Tài sản của cán bộ, công chức hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc số tiền để mua tài sản, chưa quy định đánh thuế đối với một số loại tài sản… Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân đã được hiến định.
Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để xử lý là rất phức tạp, do đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng đồng thời bảo đảm sự hài hòa cả về tính pháp lý, chính trị và thực tiễn xã hội của nước ta.
Lý do không đánh thuế hay xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không giải trình được tài sản, thu nhập tăng thêm là như vậy, nhưng do không hiểu bản chất của vấn đề nên nhiều phóng viên đã thông tin không đúng, thiếu chính xác khiến dư luận cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi là bước lùi khi không mạnh tay xử lý tài sản do tham nhũng mà có.
Khi đi tiếp xúc cử tri, bà con cũng đặt câu hỏi này và tôi đã lấy ví dụ người nào đó được cha mẹ cho thừa kế một cái nhà, một mảnh đất hay tài sản gì đó có giá trị, nhưng không có giấy tờ, cha mẹ mất lâu rồi, khối tài sản này cơ quan nhà nước cũng không chứng minh được là tài sản bất minh, thì không thể đánh thuế hay xử phạt người ta được. Còn nếu chứng minh được đó là tài sản do tham nhũng hay do hình thành từ hoạt động bất hợp pháp thì xử lý nghiêm khắc theo Bộ luật Hình sự. Khi tôi giải thích xong, bà con hiểu ngay.
Qua sự việc này, tôi lưu ý, các phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là phóng viên nghị trường truyền tải thông tin về chính sách, pháp luật phải hết sức khách quan, trung thực, chính xác, phải hiểu rõ vấn đề, nắm chắc vấn đề, tránh tạo ra dư luận xã hội hiểu sai về các cơ chế, chính sách. Vì người dân hiểu biết về luật pháp, hiểu được cơ chế, chính sách là qua báo chí, chứ người dân không đọc toàn bộ hồ sơ dự án luật.
Báo chí phải đẩy lùi thông tin thiếu chính xác, độc hại trên mạng xã hội
Yếu tố quan trọng nhất để phát huy vai trò của báo chí trong việc tạo ra sự đồng thuận của xã hội là phải tạo được niềm tin với độc giả.
Phóng viên nghị trường truyền tải thông tin về chính sách, pháp luật phải khách quan, trung thực, chính xác, phải hiểu rõ vấn đề, nắm chắc vấn đề, tránh tạo ra dư luận xã hội hiểu sai về các cơ chế, chính sách.
Người dân rất tin báo, lấy tin trên báo chí để hỏi đại biểu Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vì bà con đọc hàng ngày, xem truyền hình hàng ngày, đọc thông tin trên mạng Internet hàng ngày. Vì vậy, báo chí phải tạo được niềm tin với người dân. Chỉ khi nào chúng ta tạo được niềm tin vững chắc trong lòng độc giả, thì việc định hướng thông tin và đấu tranh với luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhất là tin trên mạng xã hội mới phát huy được hiệu quả.
Cuối tháng 10/2016, tôi đang điều hành Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XIV thì trên mạng xã đăng video clip Chủ tịch Quốc hội về thăm quê (Bến Tre) với 50-60 xe hộ tống, có cả xe dẫn đường và xe cứu thương. Thông tin này lan nhanh trên mạng xã hội, nhiều người dân điện hỏi tôi. Tôi điện thoại hỏi Bí thư Bến Tre thì được biết, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với tỉnh Bến Tre tổ chức diễn tập quân sự. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, tìm ra người đưa đoạn video lên mạng. Được biết, người đó không có thủ đoạn, mục đích gì mà chẳng qua do trình độ hiểu biết hạn chế, nên nghĩ rằng, đưa video clip lên mạng với lời bình sai sự thật cho vui.
Nhiều tin trên mạng thiếu chính xác, sai sự thật, thậm chí xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật vì các mục đích khác nhau rất nhiều. Vấn đề của cơ quan báo chí phải làm sao để người dân tin báo chí hơn, thì sẽ không tin những tin thất thiệt trên mạng.
Trong kỷ nguyên 4.0, bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta phải thừa nhận là mạng xã hội, thông tin trên Internet vô cùng quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hình thức truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện với truyền thông truyền thống. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí, bản thân mỗi phóng viên, mỗi nhà báo phải phát huy tinh thần trách nhiệm với xã hội, phải nâng cao đạo đức báo chí.
Các cơ quan báo chí và bản thân những người làm trong lĩnh vực báo chí phải đầu tư chuyên sâu, chuyên nghiệp, chuyên môn, nâng cao giá trị tin bài, cả chất lượng lẫn độ nhanh nhạy, chính xác mới đẩy lùi được tin bài không chính xác, bịa đặt, bôi nhọ, xuyên tạc… Đây là vấn đề cốt lõi thể hiện giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam.