Hoàng Gia Pha Lê ký hợp đồng lô lớn xuất khẩu gạch nhựa SPC sang Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) cho biết, liên doanh Hoàng Gia Pha Lê (PLP sở hữu 50% vốn) mới đây đã ký hợp đồng đối tác với Tập đoàn MSI (Mỹ) để gia tăng lượng hàng xuất khẩu sang thị trường vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.
Hoàng Gia Pha Lê ký hợp đồng lô lớn xuất khẩu gạch nhựa SPC sang Mỹ

Đơn hàng xuất khẩu tháng 12/2020 trị giá 50 tỷ đồng đã được Hoàng Gia Pha Lê triển khai. MSI là nhà phân phối vật liệu trong top 10 thị trường Mỹ. Doanh số của tập đoàn này đạt hơn 1 tỷ USD hàng năm với hơn 30 trung tâm phân phối trên khắp Mỹ và Canada. MSI đã khảo sát nhà máy trực tuyến, xem hàng mẫu thực tế và quyết định hợp tác với nhà sản xuất Việt Nam.

Pha Lê cho biết, hiện nhà máy gạch nhựa SPC tại Đồng Nai đã chạy hết công suất 4 dây chuyền lắp đặt. Máy móc thiết bị 4 dây chuyền tiếp theo đã được Công ty ký hợp đồng và được vận chuyển về nhà máy vào tháng 12, hiện đang tiến hành lắp đặt. 4 dây chuyền còn lại cũng đã được Hoàng Gia Pha Lê chuyển tiền thanh toán cho đối tác, dự kiến giữa tháng 1 cập cảng Việt Nam và vận chuyển về nhà máy trước dịp tết Nguyên Đán.

Theo kế hoạch, 12 dây chuyền sẽ hoàn chỉnh lắp đặt sau Tết và vận hành công suất tối đa ngay sau khi đưa vào hoạt động. Như vậy, nhà máy Đồng Nai với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, công suất 10 triệu m2 sàn gạch nhựa SPC mỗi năm chuẩn bị chạy full công suất.

Ngoài hợp đồng lớn với MSI, hiện nay Hoàng Gia Pha Lê đang triển khai hợp tác với nhiều nhà phân phối khác. Trong đó, kênh xuất khẩu chiếm 90% sản lượng bao gồm các nhà phân phối liên bang ở Mỹ như MSI, Mohawk, Novalis, CFL, … và nội địa chiếm 10%.

Mohawk (Tập đoàn Mohawk là Công ty mẹ của Unilin, doanh nghiệp bán hèm khóa sử dụng cho gạch nhựa SPC) và Novalis, 2 hãng phân phối vật liệu ở phân khúc hàng cao cấp hơn MSI, đã có các cuộc trao đổi, đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam. Theo tiết lộ của Hoàng Gia Pha Lê, Mohawk đã đề nghị đơn hàng 400 container nhưng do tình hình dịch bệnh, cuối năm khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa nên Công ty chưa nhận đơn hàng này.

Theo thông tin được lãnh đạo công ty chia sẻ, bên cạnh 12 dây chuyền ở Đồng Nai, một nhà máy mới ở Hải Phòng cũng đã được tiến hành xây dựng song song với mục tiêu bắt kịp xu thế thị trường. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, với 14 dây chuyền công suất lớn, tổng sản lượng theo thiết kế là 14 triệu m2/năm.

Nhà máy Hải Phòng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 05/2021, 8 dây chuyền đầu tiên sẽ lắp đặt xong trong tháng 6 và 6 dây chuyền tiếp theo sẽ về trong tháng 7, lắp máy xong trong tháng 8.

So với nhà máy Đồng Nai, việc sản xuất SPC ở nhà máy Hải Phòng có nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, nhà máy gần mỏ đá Nghệ An và ngay cạnh cảng biển, thuận lợi lớn cho xuất khẩu.

Tính toán của Công ty cho thấy, so với nhà máy Đồng Nai, nhà máy Hải Phòng tiết kiệm được 200.000 đồng/tấn bột đá vận chuyển, đồng thời vị trí gần cảng biển cho phép tiết kiệm được 3 triệu đồng/container xuất khẩu. Ngoài ra, địa bàn kinh tế Hải Phòng đang được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước hơn so với Đồng Nai.

Làm chủ nguyên liệu đầu vào, sở hữu bí quyết tạo ra lớp cốt nền với nhiều đặc tính ưu việt và có độ bền tới 20 năm, có hệ thống mạng lưới phân phối rộng lớn, Hoàng Gia Pha Lê tự tin, sản phẩm mới của mình sẽ nhanh chóng phủ khắp thị trường.

Hoàng Gia Pha Lê đặt kế hoạch, trong năm đầu tiên nhà máy số 1 đi vào hoạt động sẽ sản xuất được 10 triệu m2; trong 5 năm tiếp theo với quy mô đầu tư 2 nhà máy, sẽ sản xuất đạt 25 triệu m2 sàn SPC mỗi năm.

Với chuỗi sản xuất khép kín đầu cuối gạch SPC, bột đá CaCO3 đạt giá trị gấp nhiều lần. Hiện giá mỗi tấn Filler (sản phẩm chủ lực của PLP) xuất bán trên thị trường dao động trong 250 - 350 USD, với mức giá SPC trên thế giới hiện nay dao động từ 7,0 - 12 USD/ m2, doanh thu sản phẩm SPC khi sử dụng cùng một lượng nguyên liệu CaCO3 để sản xuất 1 tấn Filler có thể cao hơn gấp 5 lần. Đây chính là con gà “đẻ trứng vàng” của Nhựa Pha Lê trong thời gian tới.

Tin bài liên quan