Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm mạnh từ 1.032 tỷ xuống 371,6 tỷ, chênh lệch hơn 660 tỷ đồng dù doanh thu không có nhiều thay đổi.
Sự khác biệt này xuất phát từ thay đổi tại 3 khoản mục chính là lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh giảm 118 tỷ, chi phí tài chính tăng 206 tỷ và lợi nhuận khác giảm 290 tỷ đồng.
Theo HAGL, chi phí tài chính tăng sau kiểm toán do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con 130 tỷ đồng, cùng với thuế nhà thầu tại nhóm công ty Lào, Campuchia tăng 12 tỷ đồng.
Với chi phí khác, sự thay đổi chủ yếu do dự phòng thanh lý Công ty Điện Nậm Kông 3 mất 134 tỷ đồng, tăng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào 50 tỷ đồng, tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái gần 91 tỷ đồng và tăng chi phí thanh lý tài sản gần 10 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, các khoản chênh lệch này là sai sót chuyên môn của các nhân viên kế toán và lượng nghiệp vụ quá nhiều để hoàn thành báo cáo trong thời gian quy định. "Chúng tôi cam kết sẽ rút kinh nghiệm và hạn chế sai sót tương tự trong tương lai", văn bản giải trình của HAGL viết.
Ngoài các thay đổi về số liệu kế toán, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ với việc đánh giá khả năng thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng từ các bên liên quan.
Nguyên nhân do các bên đang vận hành nhiều dự án kinh doanh đa dạng, nhưng một phần trong số đó trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư. Điều này, theo kiểm toán viên, tạo ra khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của HAGL khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 3.500 tỷ đồng và tập đoàn đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Với hai vấn đề này, HAGL cho biết tập đoàn đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động với nhiều thay đổi đáng kể, tập trung vào mảng cây ăn trái, củng cố cao su, thanh lý mảng thủy điện và đàm phán với các đối tác bán dự án Myanmar.
Tập đoàn cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản.
"Chúng tôi tin rằng công ty sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục", giải trình của HAGL viết.