Hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Phạt ông chủ hay phạt giám đốc làm thuê?

0:00 / 0:00
0:00
Liên quan tới dự thảo quy định hoãn xuất cảnh với trường hợp doanh nghiệp nợ thuế, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc trường hợp đại diện pháp nhân cho doanh nghiệp là người đi làm thuê, không được quyền quyết định nộp thuế.
Hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Phạt ông chủ hay phạt giám đốc làm thuê?

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Trong báo cáo, Bộ Tài chính giải trình thêm về quy định hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp xuất cảnh (khoản 7 Điều 6 dự thảo Luật Luật Quản lý thuế sửa đổi).

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh), địa biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)... đề nghị cân nhắc áp dụng quy định này với trường hợp một pháp nhân mà người đại diện cho pháp nhân đó -ví dụ Tổng giám đốc - chỉ người làm thuê, không có quyền quyết định việc đóng thuế hoặc không đóng thuế tại doanh nghiệp. Cần phải phân biệt trường hợp như vậy để tạm hoãn xuất cảnh đúng đối tượng có hành vi vi phạm.

Đại biểu đề nghị phải quy định rõ cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị hay là chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty để phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, gồm cá nhân là đại diện theo pháp luật của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Một số ý kiến đề nghị cần phải quy định lại mức phải nộp là bao nhiêu, chậm bao nhiêu lâu, gây ảnh hưởng thế nào và phải thông báo với doanh nghiệp, cá nhân…

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ các trường hợp cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là người đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh).

Hiện khái niệm về “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” hiện đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Bộ Tài chính cho hay, ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc cần thiết phải quy định rõ cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị hay là chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty sẽ được cân nhắc, nghiên cứu khi sửa Luật Doanh nghiệp.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban tài chính - Ngân sách đề nghị: cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, bảo đảm hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.

Trong trường hợp nhất thiết cần sửa nội dung này, đề nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thời gian qua, cân nhắc bổ sung quy định về mức ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.

Tin bài liên quan