Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu sâu xa nhất là bảo vệ người gửi tiền. Tới nay, sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc nhìn nhận, bổ sung, cập nhật Luật BHTG và các quy định dưới luật là điều cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả và đóng góp của hoạt động BHTG, thúc đẩy bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Những kết quả đạt được

Luật BHTG số 06/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, đánh dấu bước phát triển lớn cũng như vai trò quan trọng của chính sách BHTG tại Việt Nam. Theo đó, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực BHTG được điều chỉnh tại một đạo luật riêng, độc lập. Trước đây, những quan hệ này được điều chỉnh tại nhiều văn bản dưới luật khác nhau của các cấp có thẩm quyền.

Luật BHTG ra đời đã quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động BHTG như: Mục đích, nguyên tắc BHTG, cơ quan quản lý Nhà nước về BHTG, người được BHTG, quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG, chứng nhận tham gia BHTG, phí BHTG, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm…

Triển khai các quy định tại Luật BHTG, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động BHTG, đặc biệt là các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về BHTG, BHTGVN đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém, quản lý an toàn nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính. Đặc biệt, BHTGVN luôn chú trọng việc giám sát, kiểm tra đối với các QTDND.

Thông qua các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN đã chủ động kiến nghị NHNN xem xét xử lý nếu phát hiện vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực BHTG hoặc những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền chính sách BHTG, trong đó có Luật BHTG nhằm giữ vững niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG, ngăn ngừa các nguy cơ về rút tiền hàng loạt khi xảy ra tin đồn thất thiệt đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Khi TCTD gặp sự cố mất thanh khoản, BHTGVN cũng thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời cho người gửi tiền để niềm tin ấy luôn được củng cố vững chắc.

Sự ra đời của Luật BHTG đã cho thấy sự phát triển tích cực của chính sách BHTG tại Việt Nam, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật trước đó về BHTG, bổ sung những quy định có hiệu lực thực thi cao hơn và tiếp thu nhiều tiến bộ từ thông lệ quốc tế về BHTG. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Ngày 16/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có các luật như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản liên quan, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.…

Sau gần 10 năm Luật BHTG đi vào cuộc sống, BHTGVN cho biết, cơ quan này đã triển khai tổng kết, rút kinh nghiệm và ghi nhận được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện như về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, về việc tổ chức tham gia BHTG thực hiện tính phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...

Ngoài những bất cập trong quá trình thực thi chính sách BHTG, trong thời gian qua khuôn khổ pháp lý có liên quan tới hoạt động BHTG cũng có những thay đổi nhất định. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã quy định những quyền và nghĩa vụ mới cho tổ chức BHTG nhằm hỗ trợ sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Các quyền và nghĩa vụ mới mà BHTGVN mới được bổ sung có thể kể đến như: cho vay đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật Các TCTD và hướng dẫn của NHNN, tham gia hỗ trợ chức năng, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, về miễn nộp phí BHTG...

Luật BHTG chưa được sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ với hệ thống cơ chế chính sách cũng như phù hợp với thực tế đã trở thành một điểm nghẽn trên cả một bức tranh tươi sáng. Việc này càng kéo dài sẽ càng làm chậm tiến độ BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các QTDND. Bên cạnh đó, khuôn khổ cơ chế chính sách không đồng nhất cũng sẽ gây hạn chế tới hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG.

Trong bối cảnh hiện nay, có 3 nội dung cấp thiết nhất liên quan tới chính sách BHTG cần sớm được khai thông là sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; sửa đổi, bổ sung về nguồn vốn hoạt động và việc mở rộng danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng chi trả sớm hơn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đồng thời, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, cách làm, công cụ hiệu quả mà BHTG các quốc gia khác đã áp dụng thành công.

Mặt khác, tổ chức BHTG cũng cần không ngừng nâng cao năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực tham gia và phối hợp với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG và người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa và người gửi tiền tại các QTDND để có thể đáp ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin bài liên quan