Trong năm 2017, bên cạnh việc đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành 2 văn bản quan trọng là Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 28 thông tư, trong đó có nhiều thông tư quan trọng nhằm điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý ngoại hối, thanh tra, tỷ lệ an toàn hoạt động của các TCTD, cho vay bằng ngoại tệ, hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC....
Quá trình tổng kết hơn 4 năm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015” ban hành kèm Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 cho thấy, quá trình quản lý và tái cơ cấu các TCTD về cơ bản đã đạt được kết quả quan trọng như giữ được sự ổn định, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát...
Tuy nhiên, quá trình tổng kết cũng cho thấy, còn tồn tại nhiều vấn đề như khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc xử lý các TCTD yếu kém, chất lượng hoạt động của TCTD chưa thực sự bền vững, năng lực quản trị điều hành chưa có thay đổi rõ rệt...
Nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại này được nhận định là do khuôn khổ pháp lý còn bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh mà pháp luật chưa có quy định, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời. Trong điều kiện đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động tiền tệ, ngân hàng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017, được thể hiện trên các mặt sau:
Ông Tạ Quang Đôn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước
Thứ nhất, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong công tác xử lý nợ xấu, trong năm 2017, thực hiện phân công của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42).
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 vào ngày 21/6/2017 được coi là một nội dung nền tảng và là bước chuyển căn bản cho hoạt động xử lý nợ xấu của TCTD, khắc phục được những bất cập, chồng chéo trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành.
Nghị quyết 42 đã cho phép thí điểm thực hiện những chính sách lớn như tiếp tục thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD, cho phép các bên mua bán nợ xấu (trong đó có Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC) thỏa thuận phân chia phần chênh lệch giữa giá mua nợ và giá bán khi xử lý nợ, tách bạch trách nhiệm trong việc nộp các nghĩa vụ tài chính của các bên tham gia mua bán tài sản bảo đảm, cho phép bên xử lý nợ xấu không phải là TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cho phép các TCTD bán nợ được tăng thời gian trích lập dự phòng của các khoản nợ xấu đã bán, giãn thời gian thoái các khoản phải thu…
Các chính sách tại Nghị quyết 42 đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ (TCTD, VAMC), khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm hiện hành, qua đó góp phần đẩy nhanh hiệu quả xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu trong ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Công tác triển khai Nghị quyết 42 cũng đã ghi nhận việc kịp thời ban hành các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư pháp... cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo Nghị quyết 42 có thể sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng các yêu cầu của quá trình xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao tại Nghị quyết 42, qua đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc của VAMC, tạo cơ chế mới cho VAMC thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của TCTD.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động tiền tệ, ngân hàng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật khác để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, trong đó có Nghị định 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Các quy định tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP đảm bảo cơ chế kiểm soát hoạt động bán đấu giá tài sản của VAMC trên cơ sở phù hợp với tính chất, đặc thù trong hoạt động bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhưng đồng thời cũng đảm bảo đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD.
Thứ hai, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD (Luật 17).
Luật 17 đã xây dựng, hoàn thiện các nhóm chính sách để thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại TCTD yếu kém, cũng như tăng cường năng lực của TCTD. Cụ thể, Luật 17 hoàn thiện các điều kiện áp dụng, quy trình và các biện pháp xử lý trong việc áp dụng quy định can thiệp sớm để có thể phát hiện và ngăn ngừa những biểu hiện yếu kém của TCTD.
Bên cạnh đó, trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, Luật 17 đã quy định rõ thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, cũng như nội dung, quy trình thủ tục xây dựng các phương án phục hồi, các phương án xử lý pháp nhân TCTD được kiểm soát đặc biệt từ sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc, giải thể, phá sản. Trong đó, Luật 17 đã có những quy định rõ ràng, cụ thể điều kiện, nội dung phương án cơ cấu lại, cũng như các biện pháp hỗ trợ trong quá trình xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời, Luật 17 bổ sung những quy định để nâng cao năng lực quản trị, điều hành TCTD, từ cơ cấu tổ chức cho đến nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự quản trị, điều hành; hạn chế những tác động không phù hợp từ mối quan hệ của người có liên quan; hạn chế việc cùng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại TCTD và các doanh nghiệp, TCTD khác đối với một số chức danh quản trị, điều hành của TCTD... và nhóm các quy định tăng cường tính minh bạch của nguồn vốn sử dụng để góp vốn mua cổ phần, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, hạn chế cổ đông lớn của TCTD và người liên quan tham gia với tư cách cổ đông lớn của TCTD khác...
Để đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng hiện hành, trên cơ sở quy định của Luật 17, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng, ban hành, hoặc trình Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành quy định hướng dẫn thi hành, đảm bảo các quy định của Luật được thi hành một cách kịp thời, có hiệu quả.
Thứ ba, về kết quả ban hành thông tư, trong năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 28 thông tư đảm bảo yêu cầu, quy định về nội dung và trình tự, trong đó có nhiều thông tư quan trọng điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý ngoại hối, thanh tra, giám sát các quy định về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của các TCTD, hoạt động bảo lãnh của TCTD, cho vay bằng ngoại tệ, hoạt động thẻ ngân hàng, hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC....
Các Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của các luật, nghị quyết, nghị định... mới được ban hành, cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh để góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Để tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm phát hiện kịp thời các yếu kém trong hoạt động của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-NHNN về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, trong đó có quy định cụ thể về các phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời cho các TCTD.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2014/NĐ-CP về thanh tra, giám sát ngân hàng và Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để tăng cường và hoàn thiện năng lực của hoạt động thanh tra, giám sát trong thời gian tới.
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung một loạt các thông tư về quản lý ngoại hối, qua đó giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập kinh tế của đất nước như Thông tư số 05/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; Thông tư số 11/2017/TT-NHNN ngày 30/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2014/TT-NHNN ngày 24/7/2014 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Thông tư số 10/2017/TT-NHNN ngày 30/8/2017 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh casino...
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo hiệu quả điều hành, quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn tạo điều kiện để TCTD hoạt động kinh doanh phù hợp quy định pháp luật.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên triển khai rà soát quy định của Bộ luật Dân sự, các Luật về Đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng... để kịp thời có kiến nghị cụ thể với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định, tạo điều kiện thông thoáng, an toàn cho hoạt động của các TCTD.
Thứ năm, ngoài các nội dung trên, công tác xây dựng thể chế cho hoạt động tiền tệ, ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước còn được thể hiện trên một số nội dung quan trọng, như việc tham gia phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội rà soát, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có quy định cụ thể các nội dung về hành vi phạm tội trong hoạt động ngân hàng.
Như vậy, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, ban hành các thông tư để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các quy định pháp luật về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, triển khai kịp thời các biện pháp để đảm bảo và tăng cường tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong ngành ngân hàng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo lập môi trường pháp lý toàn diện, thuận lợi cho sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống TCTD.