Đề án có vai trò quan trọng nhằm cụ thể hóa, làm rõ hơn quan điểm, tư tưởng của Đảng ta được thể hiện trong Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII

Đề án có vai trò quan trọng nhằm cụ thể hóa, làm rõ hơn quan điểm, tư tưởng của Đảng ta được thể hiện trong Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII

Hoàn thiện Đề án một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Đề án một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.     

Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được Đảng, Nhà nước ta xác định từ nhiều năm trước với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai thực hiện. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì nhìn chung quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta diễn ra còn chậm, công tác tổ chức thực hiện chưa thực sự hệ thống và đồng bộ, còn nhiều hạn chế…

Việc xây dựng Đề án một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là rất cần thiết, có vai trò quan trọng nhằm cụ thể hóa, làm rõ hơn quan điểm, tư tưởng của Đảng ta được thể hiện trong Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII. Đây là Đề án quan trọng Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị để trình Ban chấp hành Trung ương, không chỉ có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII giai đoạn 2016 - 2020 mà còn có ý nghĩa cho 10 năm tiếp theo (đến 2030).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo Đề án; bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu. Cụ thể, việc xây dựng Đề án phải quán triệt, bám sát Nghị quyết và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII; đồng thời làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn các nội hàm về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và nội dung liên quan khác đã nêu trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội XII.

Đồng thời, thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta thời gian qua cần được đánh giá một cách thẳng thắn, thực chất, đúng thực tế. Cần rà soát, bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề sau: 1- Việc thực hiện các chủ trương, giải pháp tại các nghị quyết, kết luận, quyết định, chỉ thị liên quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, trong đó có những lĩnh vực Chính phủ đã triển khai mạnh mẽ thời gian qua; 2- Khẳng định những kết quả tích cực, tiến bộ bước đầu đã đạt được và thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với phạm vi của Đề án, trong đó đánh giá sát hơn về những trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế thời gian vừa qua; đồng thời nêu rõ những hạn chế, tồn tại, nhất là những điểm nghẽn chủ yếu để có giải pháp tập trung xử lý; 3- phân tích sâu hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả cũng như hạn chế, tồn tại; bổ sung các bài học kinh nghiệm.

Về các chủ trương, chính sách lớn trong Đề án, Thủ tướng yêu cầu phải cập nhật diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như bối cảnh trong nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới; những yếu tố hạn chế trong nội tại nền kinh tế đã bộc lộ rõ hơn vừa qua cần phải tập trung giải quyết trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trên cơ sở Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII, trong Đề án cần làm rõ hơn các yếu tố nền tảng là thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; xác định các quan điểm lớn về phát triển nền kinh tế nói chung cũng như đối với từng lĩnh vực chủ chốt. Mục tiêu đề ra cần phù hợp với phạm vi của Đề án, phải có tính đột phá và khả thi cho cả trung hạn và dài hạn; có mục tiêu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực chủ chốt.

Cùng với đó phải rà soát kỹ các chủ trương, chính sách đã nêu trong Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII để đề ra các chủ trương, chính sách lớn trong Đề án bảo đảm có định hướng rõ hơn, nội dung cụ thể hơn; lưu ý những chủ trương, chính sách mới so với Nghị quyết và văn kiện Đại hội XII và có tính đột phá trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để có tính thuyết phục cao; bổ sung rõ hơn trong Đề án những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế (bao gồm năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm), trong đó chú trọng vấn đề nâng cao năng suất nội bộ ngành, những điểm then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh…

Trên cơ sở nội dung Đề án, cần thể hiện rõ hơn nội dung tổ chức thực hiện theo hướng phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Trung ương, địa phương thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan khẩn trương tham gia ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Đề án gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân liên quan về  Đề án này; tổ chức hội thảo quốc tế để có thêm đóng góp về cả tính khoa học và thực tiễn, trên cơ sở đó tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tin bài liên quan