Hoàn thiện chuỗi cung ứng tổ yến, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch

0:00 / 0:00
0:00
Tổ yến Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường có sức tiêu thụ tổ yến lớn nhất nhưng vẫn còn cần hoàn thiện thêm các thủ tục, quy trình nuôi.
Nuôi yến ở Việt Nam hiện nay còn mang tính tự phát nhiều.

Nuôi yến ở Việt Nam hiện nay còn mang tính tự phát nhiều.

Cơ hội rộng mở

Đánh giá tại Hội nghị “Đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), FAO và USAID tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Vũ Cường, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho rằng ngành yến sào Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Thị trường yến sào thế giới ước tính trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn. Việt Nam là một trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc nhưng thị phần còn rất thấp so với nhu cầu.

“Cung đang thấp hơn cầu, các doanh nghiệp yến sào không phải lo về vấn đề cạnh tranh, cứ có hàng là bán”, ông Cường nhận định.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nghề nuôi chim yến đang có nhiều cơ hội phát triển khi chim yến đã chính thức được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Hiện nay hai nguồn cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc chủ yếu là Indonesia và Malaysia. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.

Tổ yến Việt Nam dù đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng là qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường này. Vì vậy, việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

Thách thức còn nhiều

Thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam hiện nay đó là còn phát triển mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch.

Nuôi yến hiện nay cũng thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, một số tổ chức, cá nhân tư vấn, hướng dẫn xây dựng nhà yến không được phù hợp nên làm thiệt hại kinh tế cho người dân, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến.

Bên cạnh đó, việc săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích khác (giết thịt, phóng sinh) đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Ngoài ra, cũng còn tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết.

Trong khi đó, yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt tại đặc biệt là Trung Quốc ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường.

Cần sự phối hợp

Để khắc phục tình trạng này, đại diện Cục Chăn nuôi kiến nghị cần có những giải pháp tháo gỡ khúc mắc về thể chế quản lý, kỹ thuật nuôi chim yến, về môi trường và xúc tiến thương mại.

Cục Chăn nuôi cũng có đề xuất các Bộ, ngành ban hành hướng dẫn các thủ tục xuất khẩu tổ yến (thô, tinh) và sản phẩm từ tổ yến.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến chim yến, các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm bảo đảm an toàn sinh học; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học để nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về dẫn dụ, gây nuôi và khai thác, chế biến tổ yến đạt hiệu quả, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Áp dụng công nghệ trong dẫn dụ chim yến (dùng sóng siêu âm dẫn dụ, gắn chíp điện tử theo dõi vùng sinh thái của chim yến), quy trình ấp nhân tạo và chăm sóc chim non, di đàn…

Ngoài ra cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến đảo, gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo; chính sách xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia;

UBND các tỉnh cũng cần sớm thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, giám sát chặt các cơ sở chăn nuôi chim yến.

Đồng thời tổ chức thống kê, tiếp nhận kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi chim yến trên địa bàn. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần căn cứ vào Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến, môi trường và vệ sinh thú y của các cơ sở dẫn dụ, nuôi và khai thác chim yến trên địa bàn tỉnh.

Về phía các Hiệp hội, Chi hội, Cục Chăn nuôi đề xuất các tổ chức này cần phát huy vai trò của mình để thu hút thành viên, tạo sức mạnh cho ngành yến; tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến và thị trường.

Ngoài ra, các Hiệp hội cũng cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, quản lý trong công tác tư vấn, phản biện trong xây dựng thể chế, thương hiệu để ngành yến tăng hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

Tin bài liên quan