Hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất - kinh doanh.

Hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất - kinh doanh.

Hoàn thiện chu trình luân chuyển vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 3,2 triệu tỷ đồng đã được dành để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 cho thấy nỗ lực của ngành ngân hàng TP.HCM trong thực thi chương trình phục hồi kinh tế Thành phố, mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh luôn là khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng, là trọng tâm của đổi mới và phát triển đối với ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng. Chính vì lẽ đó, tạo lập và củng cố được niềm tin của khách hàng, của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với hoạt động ngân hàng, nhất là trong bối cảnh đất nước và Thành phố đang từng bước vượt qua đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội, tới người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM

Trong điều kiện đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là giải pháp để tiếp tục tạo lập, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và lấy đó làm động lực cho sự phát triển của ngành ngân hàng nói chung, ngành ngân hàng TP.HCM nói riêng trong năm 2022, cũng như những năm tiếp theo, với nội hàm về thực thi chính sách hiệu quả, về cải cách hành chính và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp gắn với việc phát triển ngân hàng số và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ nhất, thực thi chính sách hiệu quả. Chủ trương chính sách đúng và trúng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tiền tệ, tín dụng thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và củng cố vững chắc nền tảng thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó không chỉ đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, mà còn tạo lập và củng cố niềm tin đối với doanh nghiệp, với người dân và nhà đầu tư, yếu tố quan trọng tác động trở lại đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhất là giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.

Trong đó, các cơ chế chính sách về cơ cấu lại nợ; miễn, giảm lãi suất; chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất và tín dụng… đã được tổ chức triển khai một cách bài bản và có hiệu quả, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi sản xuất - kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn khi phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch.

Ở góc độ hoạt động ngân hàng, việc tạo lập và củng cố niềm tin khách hàng về bản chất chính là mang lại lợi ích cho khách hàng và chính các tổ chức tín dụng, duy trì và bảo đảm được lợi ích các bên, với quan điểm lấy khách hàng là trung tâm để phát triển.

Với tổng giá trị nợ hỗ trợ đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng cho gần 2 triệu lượt khách hàng được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, được miễn giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp… đã giúp doanh nghiệp trên địa bàn dần trở lại hoạt động bình thường. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với chương trình phục hồi kinh tế Thành phố, là bài học kinh nghiệm quý báu về chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Niềm tin đó trở thành động lực cho ngành ngân hàng thực hiện trách nhiệm, hiệu quả nhiệm vụ được giao, với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng từ việc ban hành chính sách hiệu quả, kịp thời, đến việc sáng tạo trong thực thi chính sách, trong tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ hai, cải cách hành chính là giải pháp cụ thể và là hành động quyết tâm, được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục. Với nội hàm đổi mới quy trình giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, trong phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu thời gian giao dịch, giảm chi phí cho doanh nghiệp; không gây phiền hà cho khách hàng, tạo sự thuận lợi, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng… Những hành động đó của ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư, góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh.

Hiện nay, với chương trình cải cách hành chính của ngành, cùng việc phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số…, khách hàng chỉ cần “ngồi tại nhà” để giao dịch và được đáp ứng kịp thời, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, chi phí nhân công, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh, do chi phí đầu vào tăng, cũng như các rủi ro tiềm ẩn.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để phục hồi và phát triển trong bình thường mới. Theo đó, tín dụng trên địa bàn TP.HCM sau khi dịch bệnh được kiểm soát (từ tháng 10/2021 đến nay) luôn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Riêng quý I/2022, tín dụng Thành phố tăng trưởng 3,65% - cao hơn cùng kỳ 3 năm trở lại đây (tín dụng cùng kỳ năm 2021 tăng 2,42%; năm 2020 tăng 1,49% và năm 2019 tăng 3,17%).

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi và tăng trưởng, mà ở góc độ quản lý còn giúp duy trì, củng cố niềm tin của khách hàng với ngân hàng, tiếp tục gắn kết mối quan hệ ngân hàng - khách hàng: Doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, có thu nhập, tạo dòng tiền trả nợ ngân hàng và khi đó, ngân hàng thu được nợ, có thu nhập từ lãi cho vay và hạn chế rủi ro nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, phát triển dịch vụ và mở rộng khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế - một chu trình luân chuyển vốn “hoàn hảo”, tạo dư địa và động lực to lớn cho sự phát triển.

Như vậy, ở góc độ hoạt động ngân hàng, việc tạo lập và củng cố niềm tin khách hàng về bản chất chính là mang lại lợi ích cho khách hàng và chính các tổ chức tín dụng, duy trì và bảo đảm được lợi ích các bên với quan điểm lấy khách hàng là trung tâm để phát triển… đã và đang được ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng TP.HCM nói riêng thực hiện sẽ không chỉ góp phần quan trọng trong thực thi các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo Chỉ thị số 01/2022/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 và chương trình phục hồi kinh tế Thành phố, mà còn tạo động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành ngân hàng TP.HCM với yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng gắn với phát triển nền kinh tế số, ngân hàng số.

Tin bài liên quan