Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hoàn thành xem xét 14 nội dung chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 3

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 14 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 10.

Chiều 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 10.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 6 ngày làm việc thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 16 nội dung, trong đó có 14 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng trong năm 2023

Tóm lược lại một số nội dung chủ yếu của phiên họp, về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác hoàn thiện thể chế, cho ý kiến kỹ lưỡng, thấu đáo những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được lưu ý tăng cường trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến trong quá trình thẩm tra, kiên quyết không đề xuất trình những dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng, thủ tục và hồ sơ tài liệu theo quy định. Nội dung được đề xuất đưa vào chương trình phải được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động sâu sắc, toàn diện, đúng quy trình của luật định, khắc phục tình trạng quyết định rồi sau lại đưa vào, rồi lại rút ra nhiều lần.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc này nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố đáng sống, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm khu vực Châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng và an ninh đã được Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.

Với 5 dự án luật, gồm dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật, Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội kịp thời đôn đốc các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, tài liệu bảo đảm chất lượng, tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhất trí cho phép kéo dài thời gian thực hiện toàn bộ nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời yêu cầu Chính phủ sớm xây dựng trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định về xử lý nợ xấu trong năm 2023.

Chọn hai chuyên đề giám sát tối cao

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội lựa chọn 2 trong 4 chuyên đề để thực hiện giám sát tối cao trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề còn lại.

Một là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 21-25 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thứ ba, việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ tư, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Gỡ điểm nghẽn trong công tác quy hoạch

Về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hành chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội nói, công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được đẩy nhanh hơn, bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, những vướng mắc về quy định pháp luật và hạn chế, bất cập trong thực thi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác lập quy hoạch, dẫn đến việc hoàn thành quy hoạch còn rất chậm; tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu tại Nghị quyết 11 ngày 5/2/2018 của Chính phủ.

Để tháo gỡ khó khăn đối với công tác quy hoạch; tập trung vào các vấn đề thực sự cấp bách, có ý nghĩa tác động ngay đến công tác quy hoạch, đề nghị Chính phủ ưu tiên tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quyết định hoặc quyết định quy hoạch, đặc biệt coi trọng chất lượng quy hoạch; tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hoàn thành sớm các quy hoạch quan trọng, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát để trình Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp thứ ba. Trong đó, báo cáo cần nêu bật được những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc và điểm nghẽn trong công tác quy hoạch hiện nay.

Cả 7 lĩnh vực quan trọng đều còn lãng phí

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cả 7 lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, còn vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung thêm địa chỉ các bộ, ngành, địa phương, các điển hình thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Báo cáo trình Quốc hội còn được yêu cầu bổ sung số liệu nêu rõ những lĩnh vực cần phải có giải pháp quyết liệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Các báo cáo cần tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật các vấn đề cụ thể và đánh giá, kiến nghị các giải pháp căn cơ, trọng tâm, xác định được trách nhiệm một cách rõ ràng, nhất là đối với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin bài liên quan