Ảnh Internet
Hiệp định sẽ có hiệu lực chính thức khi 2 bên hoàn tất việc trao đổi công hàm ngoại giao với nhau và xác nhận rằng mỗi bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho hiệu lực của Hiệp định.
Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào không chỉ tạo cơ sở pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới, mà còn góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.
Nội dung chính của Hiệp định bao gồm quy định hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới, phát triển chợ biên giới và hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu. Thống nhất xác định các cửa khẩu biên giới đất liền được mở cho hoạt động thương mại biên giới
Trên cơ sở cơ chế đặc thù của hoạt động thương mại biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà 2 nước là thành viên, dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào.
Quy định về thanh toán trong thương mại biên giới, kiểm soát việc mang tiền mặt qua biên giới, cũng như quản lý xuất nhập cảnh đối với người, quản lý phương tiện vận tải, kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa trong thương mại biên giới Việt - Lào.
Cam kết tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu.Thành lập Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Việt - Lào, khuyến khích thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt - Lào và khẳng định tính hiệu quả cũng như tiếp tục tổ chức Hội nghị hợp tác Phát triển thương mại biên giới Việt - Lào theo định kỳ 2 năm một lần.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư vào các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, theo nội dung Hiệp định, sẽ dành ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, cũng như miễn các hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam.
Những lợi ích to lớn
Theo Bộ Công thương, trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa 2 nước đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Cụ thể, năm 2014 kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa 2 nước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2013; trong 6 tháng đầu năm 2015, đạt 686 triệu USD. Tuy nhiên, quan hệ thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Lào sẽ đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.
Do đó, Hiệp định Thương mại biên giới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả 2 nước, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại 2 chiều giữa và tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và hội nhập khu vực ASEAN và Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (GMS).
Với việc ký kết Hiệp định, sẽ góp phần xây dựng và phát triển các cửa khẩu biên giới Việt - Lào trở thành những cửa ngõ và cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và thế giới; phục vụ thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.
Đồng thời, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư qua biên giới giữa Việt Nam và Lào, góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các tỉnh biên giới hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, xã hội và văn hóa, góp phần xây dựng đường biên giới chung Việt – Lào trở thành đường biên giới của giao lưu, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Sau khi có hiệu lực, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan của hai nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện Hiệp định này.