Hoàn tất bộ tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành bộ tiêu chí về cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở để các ngân hàng rót vốn vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. 

Tiêu chí đã sẵn sàng

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, tuần qua, Bộ này đã ban hành Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Như vậy, đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT là đơn vị sớm nhất ban hành các văn bản liên quan đến gói 100.000 tỷ đồng.

Hoàn tất bộ tiêu chí cho vay nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1

 Gói 100.000 tỷ đồng cần phải hướng tới hỗ trợ người dân tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao (Trong ảnh: sản xuất rau sạch tại Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: Đức Thanh

Những quy định mà Bộ NN&PTNT đưa ra là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai chính sách hướng dẫn cho vay tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, cơ quan này đang đang khẩn trương nghiên cứu và sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng này.

Dù các văn bản hướng dẫn chưa hoàn thiện, song đến nay, đã có rất nhiều ngân hàng công bố các gói tín dụng “khủng” cho lĩnh vực này như: Agribank 50.000 tỷ đồng, Vietcombank, BIDV và LienVietPostBank mỗi ngân hàng 10.000 tỷ đồng… Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác như VietinBank, SHB, BacABank, VietABank… cũng có chương trình ưu đãi cho vay nông nghiệp.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, chiều qua (23/3), các bộ, ngành tiếp tục họp bàn về triển khai gói tín dụng này.

Các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được các bộ, ngành khác khẩn trương tiến hành. Theo Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan đầu mối được giao sửa đổi, bổ sung Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Bộ đã hoàn thiện dự thảo để trình Bộ Tư pháp thẩm định.

Không chỉ ưu tiên rót vốn cho các “đại dự án”

Mặc dù văn pháp pháp lý để triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa hoàn thiện, song thời gian qua, nhiều ngân hàng đã rót hàng trăm tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều dự án lớn, tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Việc ngân hàng cho vay các “đại dự án” là dễ hiểu. Chưa kể, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu - điều mà chỉ doanh nghiệp lớn mới làm được.

Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Dự án sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng được một trong các tiêu chí như: nằm trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao (đã được cấp chứng nhận), Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Các dự án nông nghiệp sạch là dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC...), dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TT- BNNPTNT…
Nguồn: Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT

Tuy vậy, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, gói 100.000 tỷ đồng này không nên chỉ ưu tiên doanh nghiệp, mà phải hướng tới hỗ trợ người dân tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, hiện số lượng doanh nghiệp nông nghiệp rất ít, chủ yếu vẫn là nông dân. Do đó, tín dụng nông nghiệp công nghệ cao không nên chỉ nhắm vào các dự án quy mô, mà còn phải hướng tới đông đảo nông dân, nhắm tới chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho họ.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp cũng nên đi kèm với việc khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, để nông dân tiếp cận được công nghệ. Có như vậy, cả nền nông nghiệp mới có thể cùng chuyển động.

Một vấn đề khác, theo phản ánh của các doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất 0,5-1% của gói 100.000 tỷ đồng là rất quý. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp, người dân cần hơn là điều kiện tiếp cận vốn, yêu cầu về tài sản đảm bảo cần nới lỏng hơn.

Theo quy định hiện hành, tài sản trên đất không được chấp nhận là tài sản đảm bảo khiến cả người vay lẫn ngân hàng khó khăn trong ký hợp đồng. Bên cạnh đó, dù NHNN khuyến khích cho vay tín chấp, song vẫn rất ít ngân hàng thực hiện.

Tin bài liên quan