Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt (Ảnh: TTXVN)
Sáng 29/2, Toà án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội" (CDC Hà Nội). Đây là vụ án liên quan đến đại án Việt Á vừa kết thúc xét xử hôm 12/1.
Bị cáo trong phiên toà là Trương Quang Việt (sinh năm 1973, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) và Lê Minh Tuyến (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng tài chính CDC Hà Nội).
Trước đó sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hai trường hợp trên đều được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, ông Việt đã vắng mặt tại phiên toà sáng 29/2. Đại diện gia đình ông Việt cho biết, bị cáo bị huyết áp cao, tiền đình, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn nên đã phải nhập viện điều trị từ ngày 28/2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu ba.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Việt cũng cho hay, vì tình huống trên nên đề nghị gia đình có đơn xin được hoãn phiên tòa, đồng thời gửi giấy tờ hồ sơ đến Hội đồng xét xử xem xét.
Sau khi nghiên cứu tài liệu, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, sự vắng mặt của bị cáo ảnh hưởng lớn đến phiên tòa, vì bị cáo Việt được xác định là chủ mưu, đứng đầu trong vụ án. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Sau thời gian hội ý, Hội đồng xét xử nhất trí tạm hoãn phiên tòa. “Đây là lần thứ 2 phiên toà này đã phải hoãn, trường hợp lần sau bị cáo vắng mặt HĐXX sẽ xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, hoặc xử vắng mặt. Thời gian xét xử lại sẽ được công bố sau”, vị Chủ toạ thông báo.
Phiên toà xét xử cựu Giám đốc CDC Hà Nội sáng 29/2 đã bị hoãn do bị cáo vắng mặt |
Theo cáo trạng, ngày 8/6/2020, Sở Y tế Hà Nội có Quyết định số 698/QĐ-SYT về việc điều động và bổ nhiệm Trương Quang Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đến công tác và giữ chức Phó giám đốc CDC Hà Nội.
Ngày 28/1/2022, Sở Y tế Hà Nội có Quyết định số 168/QĐ-SYT bổ nhiệm Trương Quang Việt giữ chức Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
Trong giai đoạn giữ chức vụ Phó giám đốc Phụ trách CDC Hà Nội (từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2022), Chủ tịch Hội đồng mua sắm của CDC Hà Nội, ông Việt đã thực hiện gói thầu số 5, năm 2020, mua 28.300 kit xét nghiệm với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, bằng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Có trách nhiệm chủ trì xây dựng, phê duyệt thông số kỹ thuật của kit xét nghiệm Covid-19 đưa ra đấu thầu, với mong muốn mua sản phẩm do Công ty Việt Á sản xuất, ông Việt đã hướng dẫn nhân viên xây dựng hồ sơ dựa trên sinh phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á sản xuất, nhằm đảm bảo cho đơn vị này tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Trước đó, khoảng tháng 6/2020, ông Việt và ông Tuyến đã mời Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á và Vũ Đình Hiệp, Phó giám đốc Công ty Việt Á đến trụ sở CDC Hà Nội để họp bàn, thống nhất trả tiền mua 61.000 kit xét nghiệm Việt Á ở giai đoạn trước.
Nội dung cuộc họp có đề cập đến việc làm thế nào để đảm bảo Công ty Việt Á trúng thầu bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hà Nội để công ty này "đỡ thiệt".
Hai tháng sau, được cấp dưới báo cáo nhu cầu bổ sung hơn 45.000 kit test, trong khi còn nợ Việt Á rất nhiều tiền, ông Việt đã chỉ đạo bà Đỗ Thị Thu (Phó khoa Dược và Vật tư y tế CDC Hà Nội) xây dựng tính năng kỹ thuật của kit xét nghiệm khi đưa ra đấu thầu như thế nào để đảm bảo Việt Á trúng thấu, sao cho "có lợi nhuận, bù vào số tiền CDC Hà Nội chưa thanh toán", cáo trạng nêu.
Ông Lê Minh Tuyến, thành viên Hội đồng mua sắm của CDC Hà Nội có biết việc Trung tâm xây dựng thông số kỹ thuật của kit xét nghiệm Covid-19 đưa ra đấu thầu dựa trên sinh phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất, đảm bảo cho đơn vị này trúng thầu theo nội dung trao đổi giữa Trương Quang Việt với Công ty Việt Á trước đó.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi của Trương Quang Việt và Lê Minh Tuyến đã vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 9,1 tỷ đồng.
Sau khi CDC Hà Nội thanh toán tiền gói thầu, theo chỉ đạo của Trương Quang Việt, bị cáo Tuyến đã nhận tiền ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Việt được hưởng lợi 500 triệu đồng và Tuyến được hưởng lợi hơn 800 triệu đồng.
Ngoài việc mua sắm trên, người tiền nhiệm tại CDC Hà Nội của Trương Quang Việt là ông Nguyễn Nhật Cảm cũng mua hàng của Công ty Việt Á, tổng số hơn 61.000 kit test. Đến nay, CDC Hà Nội chưa thanh toán số này nên cơ quan tố tụng cho rằng chưa xác định được thiệt hại cho ngân sách.
Năm 2021, ông Cảm đã bị tòa tuyên án phạt 10 năm tù vì vi phạm đấu thầu trong quá trình mua sắm máy móc, vật tư phòng chống Covid-19.
Ngoài sai phạm tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cáo buộc Việt Á đã thông thầu tại 20 địa phương khác để được cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng.
Hiện ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt đang phải thụ án tổng cộng 30 năm tù về các hành vi Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu trong quá trình bán kit xét nghiệm Covid-19.