Xin bà cho biết những nguyên tắc cơ bản về ghi nhận và hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính tại DN Việt Nam?
Việc hướng dẫn trích lập và hoàn nhập dự phòng hiện nay được áp dụng theo Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006, trong đó đầu tư tài chính được định nghĩa bao gồm các loại đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu…) có thời hạn thu hồi không quá một năm hoặc mua vào, bán ra chứng khoán để kiếm lời hoặc đầu tư vào đơn vị khác mà chỉ nắm giữ dưới 20% vốn chủ sở hữu (dưới 20% quyền biểu quyết)…
Thời điểm trích lập và hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính là vào cuối kỳ kế toán năm. Riêng đối với các DN niêm yết phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
Dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính cần phải được lập cho phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tư của DN bị giảm giá; giá trị các khoản đầu tư tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà DN đang đầu tư bị lỗ.
Đối với các khoản đầu tư có mua bán trên TTCK thì giá trị thị trường thường được dùng làm giá tham chiếu để lập dự phòng. Đối với các khoản đầu tư tài chính không có giá trị thị trường thì việc xác định giảm giá trị khó khăn hơn và thường được xác định bằng cách đối chiếu với tình hình hoạt động của công ty phát hành hoặc các biện pháp định giá.
Về việc hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính, nguyên tắc cơ bản là so sánh số dự phòng đã lập với số cần phải trích lập. Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng, thì DN trích thêm vào chi phí tài chính của DN phần chênh lệch. Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng, thì DN được phép hoàn nhập phần chênh lệch vào doanh thu hoạt động tài chính.
Ý nghĩa của những con số về khoản trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng tại DN là gì?
Thông thường, ở các nước khác, đầu tư tài chính cần được báo cáo theo giá trị thị trường, như vậy đầu tư tài chính có thể được đánh giá tăng hoặc giảm theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa cho phép đánh giá tăng giá trị đầu tư tài chính theo giá thị trường, mà chỉ yêu cầu lập dự phòng nếu bị giảm giá trị. Do vậy, yêu cầu lập dự phòng là nhằm mục đích phản ánh giá trị đầu tư tài chính trên báo cáo tài chính tại mức giá trị thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thị trường. Khoản trích lập dự phòng là khoản “lỗ chưa được thực hiện” của DN trong một giai đoạn nhất định do giá trị thị trường của khoản đầu tư bị giảm, còn khoản hoàn nhập dự phòng là một khoản “điều chỉnh lỗ” chưa được thực hiện, do đó không thể hiện khoản lỗ hay lãi thực (hay đã thực hiện) của hoạt động đầu tư.
Để nhà đầu tư hiểu rõ ý nghĩa của những con số này, đòi hỏi những nỗ lực của ai và phải làm như thế nào?
Để hiểu được ý nghĩa thực của những con số này, bản thân nhà đầu tư cần có những hiểu biết nhất định về quy định hạch toán kế toán liên quan đến đầu tư tài chính. Thông thường, các thông tin về chính sách kế toán cũng như chi tiết lập/hoàn nhập dự phòng được trình bày trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Nhà đầu tư nên đọc kỹ những thông tin này. Về phía DN, cần có trách nhiệm tuân thủ theo yêu cầu của chế độ kế toán và trình bày đầy đủ thông tin trên báo cáo tài chính một cách trung thực, hợp lý để cung cấp cho nhà đầu tư.
Tại một số nước tiên tiến, việc kế toán các khoản đầu tư tài chính của DN như thế nào? Có gì khác biệt với Việt Nam không?
Theo yêu cầu của chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế, thông thường, các khoản đầu tư tài chính trong phạm vi nói trên phải được trình bày tại mức giá trị hợp lý (giá trị thị trường) của chúng. Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư phải được đánh giá lên nếu giá trị thị trường lớn hơn giá gốc và phải được đánh giá giảm nếu giá trị thị trường giảm. Việc đánh giá tăng theo giá trị thị trường là điểm khác biệt lớn nhất với quy định của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 95/2008/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho công ty chứng khoán, trong đó cho phép các công ty chứng khoán được áp dụng phương pháp giá trị hợp lý cho một số khoản đầu tư tài chính.
Để đo lường sự đắt rẻ của giá cổ phiếu, người ta thường dùng chỉ số P/E. Theo bà, chỉ số E phải tính như thế nào mới chuẩn? Nếu E được tính theo những cách khác nhau thì việc so sánh P/E giữa các thị trường có ý nghĩa không?
Chỉ số P/E có thể được tính theo 2 cách. Trailing P/E được tính theo E (EPS hay lợi nhuận bình quân trên cổ phiếu) của kỳ kế toán vừa hoàn thành. Leading P/E được tính theo ước tính EPS của kỳ kế toán tiếp theo. Việc sử dụng Trailing hay Leading P/E còn tùy thuộc vào từng trường hợp: Trailing P/E có thể không phù hợp để đánh giá trong trường hợp DN có sự thay đổi (ví dụ: mua bán và sáp nhập), còn Leading P/E có thể không phù hợp nếu DN có lợi nhuận không ổn định và khó dự báo.
Việc xác định EPS cũng phải được xem xét kỹ, vì nó cần được xác định trên cơ sở thu nhập của hoạt động liên tục, thường xuyên và ổn định (không bao gồm những khoản thu nhập/chi phí chỉ xảy ra một lần và bất thường).
Việc so sánh P/E giữa các thị trường không chỉ đơn giản là việc tính P/E có thống nhất hay không, tính E có trên cơ sở lợi nhuận của hoạt động liên tục, thường xuyên và ổn định hay không, mà còn ở chỗ các chỉ tiêu so sánh có cho các DN trong cùng ngành hay không. Ngoài ra, mức độ rủi ro ở các thị trường khác nhau là khác nhau, ví dụ khi đầu tư vào các thị trường đang phát triển (emerging market), thì yêu cầu của các nhà đầu tư sẽ rất khác so với đầu tư vào các thị trường đã phát triển.
Thông thường, chỉ số P/E nên dùng để quyết định mua hay không mua một loại cổ phiếu chỉ sau khi đã đối chiếu giữa các công ty cùng ngành và quan trọng là sau khi đã theo dõi xu hướng chỉ số này trong một thời gian tương đối dài.