Cổ phiếu liên tục rớt giá
Ngày 29/8, gần 298 triệu cổ phiếu BHS đã ngừng giao dịch trên sàn HOSE tại mức giá đóng cửa là 22.000 đồng/cổ phiếu, nhằm thực hiện thủ tục hoán đổi với cổ phiếu SBT theo hợp đồng sáp nhập đã thông qua.
Tại thời điểm này, mọi phân tích đều cho thấy, nhà đầu tư nắm giữ BHS có ưu thế hẳn khi giá cổ phiếu SBT lúc này ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu, hơn 9.000 đồng/cổ phiếu so với BHS, bên cạnh chênh lệch về tỷ lệ hoán đổi theo hướng có lợi cho cổ đông Đường Biên Hòa (1:1,02).
Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu SBT liên tục rớt giá, hiện giao dịch ở mức chưa tới 26.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 16% so với thời điểm BHS chốt danh sách. Đáng chú ý, trong thời gian này, bà Đặng Huỳnh Ức Mỹ, Thành viên HĐQT SBT đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, cùng một số thông tin hỗ trợ tích cực nhưng cũng không đủ sức cản lại đà rơi của giá cổ phiếu.
Trong các thông tin tích cực có việc HĐQT SBT đã ra nghị quyết thoái vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công. Với giá vốn 245 tỷ đồng, SBT dự kiến thu về hơn 367 tỷ đồng tiền lãi nếu chuyển nhượng thành công.
Với diễn biến giá hiện tại, tỷ lệ lợi nhuận của nhà đầu tư nắm giữ BHS chờ ngày hoán đổi và giao dịch trở lại còn khá “mỏng”. So với mức giá chốt 22.000 đồng/cổ phiếu và mức giá SBT hiện nay, nhà đầu tư vẫn đang tạm lãi 4.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nỗi lo lắng đang lan rộng với những người cầm giữ BHS hiện nay.
Theo quy định, việc hoán đổi cổ phiếu được thực hiện trong vòng 90 ngày và có thể gia hạn phát hành (nếu cần) kể từ ngày SBT nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước.
Ngày 6/10 tới đây, SBT sẽ hoàn thành việc phát hành thêm 303 triệu cổ phiếu chuẩn bị hoán đổi với BHS. Một số luồng thông tin cho rằng, nhiều khả năng phải tới cuối tháng 10, đầu tháng 11, cổ phiếu BHS mới có thể giao dịch trở lại.
Triển vọng chưa rõ ràng
Trước thời điểm thương vụ được ký kết, nhà đầu tư đã đón nhận nhiều phân tích về lợi thế và triển vọng phát triển của SBT sau khi sáp nhập, tuy nhiên, thực tế cho thấy, những triển vọng này chưa thực sự rõ ràng.
Theo dự kiến, quy mô của SBT dự kiến tăng gấp đôi sau khi sáp nhập với sản lượng mía đạt 3,4 triệu tấn/năm, chiếm 22% sản lượng cả nước, vùng nguyên liệu tự chủ 49.000 héc ta, chiếm 16% diện tích cả nước, thị phần chiếm 30% toàn quốc.
Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) quy định kể từ năm 2018, mặt hàng mía đường sẽ xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan, sản phẩm đường Thái Lan ồ ạt tràn vào Việt Nam, thị phần hiện tại của SBT đang có nguy cơ khó vững, chưa nói đến khả năng có thể chi phối và kiểm soát giá đường trong nước.
Lãnh đạo SBT từng chia sẻ, để cạnh tranh với sản phẩm đường từ Thái Lan, doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn con đường giảm giá thành. Theo cách này, biên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Đây có thể là rủi ro lớn đối với SBT sau sáp nhập trong việc đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Hiện tại, một câu hỏi khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn nhất: đâu là mức giá phù hợp cho SBT? Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường, với mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu, SBT đang giao dịch quanh mức P/E 22 lần, cao hơn 2,7 lần so với mức trung bình một số cổ phiếu trong ngành.
Nhà đầu tư chờ đợi lãnh đạo SBT có thông điệp mới để thương vụ M&A bớt chơi vơi cho cổ đông đối tác và triển vọng của doanh nghiệp cần rõ ràng hơn trong nỗi lo đường ngoại sắp tràn đầy thị trường.