Cách đây khoảng chục năm, tôi có dịp đến thăm Hiệp hội Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong lúc ăn trưa với lãnh đạo của Hiệp hội, tôi được giới thiệu với một nữ doanh nhân. Cô là chủ tịch kiêm tổng giám đốc một công ty tư nhân, chuyên cung cấp giải pháp phần mềm cho các nhà máy đường, với 200 nhân viên. Thấy cô gái còn quá trẻ, trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ, chắc cô này đang quản lý công ty do bố mẹ dựng lên. Để kiểm tra sự nghi ngờ của mình, tôi hỏi: “Công ty này do chính cô thành lập?”.
“Vâng. Em thành lập nó được 4 năm. Bắt đầu từ số 0. Hiện nay, 25% các nhà máy đường của Trung Quốc là khách hàng của công ty em”, câu trả lời của cô gái làm tôi thật sự bất ngờ.
Từng lăn lộn trong lĩnh vực giải pháp phần mềm, biết rõ không dễ để đạt được thành công như cô gái trẻ này, tôi liền đề nghị cô kể về quá trình khởi nghiệp và cô vui vẻ đồng ý.
Theo lời kể của nữ doanh nhân, năm 2002, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Quảng Tây chuyên ngành phần mềm máy tính, cô được người của Hiệp hội mời lên gặp mặt. Họ khuyên, một thủ khoa như cô thì nên cân nhắc khởi nghiệp, hơn là đi làm công ăn lương và nếu cô đồng ý, họ sẽ hỗ trợ cô khởi nghiệp kinh doanh. Ngay sau đó, họ cử một chuyên gia đến hướng dẫn cho cô các thủ tục cần thiết để thành lập công ty. Các thủ tục mở công ty rất dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ sau một tuần, mọi thủ tục thành lập công ty đã hoàn tất do Chính phủ Trung Quốc đang có chính sách khuyến khích khởi nghiệp.
Để giúp giảm chi phí khi công ty mới chưa có lợi nhuận, Hiệp hội cam kết hỗ trợ miễn phí công tác kế toán và tuyển dụng nhân sự trong năm đầu tiên. Nhà nước cũng miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp trong 5 năm đầu tiên.
Công ty cần vốn để hoạt động, Hiệp hội đứng ra giúp cô giải bài toán này. Trước đây, để tránh rủi ro, các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản thế chấp với mọi khoản vay. Ngày nay, các ngân hàng hiểu rằng, cho các kỹ sư trẻ tài năng vay để lập nghiệp là an toàn, vì họ thế chấp bằng tuổi trẻ, bằng tương lai của chính họ. Với sự giới thiệu của Hiệp hội, một ngân hàng đã cho cô vay 500.000 nhân dân tệ với lãi suất ưu đãi trong thời gian 5 năm.
Công ty đã thành lập, tiền vốn ban đầu cũng đã có, nhưng làm thế nào để có được hợp đồng, có doanh thu? Hiệp hội liền đứng ra giới thiệu một công ty tiền bối hỗ trợ. Công ty cô được nhận lại từ công ty tiền bối 2 hợp đồng gia công phần mềm, tuy chưa mang lại lợi nhuận, nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt. Nhờ hai hợp đồng đó mà cô xây dựng được đội ngũ làm phần mềm của mình, đồng thời tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Sau đó, mọi việc cứ từng bước đi vào quỹ đạo. Lúc đầu, để kiếm được hợp đồng, cô tìm đến những khách hàng nhỏ, vừa sức của mình. Các khách hàng ngày nay cũng có ý thức giúp các công ty khởi nghiệp. Họ không chê công ty của cô nhỏ và mới, vấn đề quan trọng là phải làm cho họ tin rằng mình có thể thực hiện tốt công việc. Để đáp lại sự tin cậy đó, cô cũng lấy giá thấp hơn các công ty lớn.
Tôi thật sự ngỡ ngàng với câu chuyện của nữ doanh nhân trẻ. Hoá ra, để một công ty khởi nghiệp thuận lợi, cần một môi trường hỗ trợ đồng bộ mọi mặt. Đó là sự hỗ trợ từ hiệp hội (tư vấn, cung cấp miễn phí dịch vụ kế toán và tuyển dụng); là chính sách quản lý khuyến khích khởi nghiệp (thủ tục hành chính đơn giản và thuận lợi, ưu đãi thuế); là sự tin tưởng vào tuổi trẻ khởi nghiệp từ phía các ngân hàng, sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp. Và điều vô cùng quan trọng là có công ty tiền bối hỗ trợ việc làm ban đầu và khách hàng có ý thức giúp đỡ các công ty khởi nghiệp.
Tôi hỏi: “Sau khi nhận được nhiều sự hỗ trợ như thế, công ty cô phải có trách nhiệm gì với xã hội không?”.
“Tất nhiên là có. Bắt đầu từ năm trước, công ty em cam kết với Hiệp hội, hàng năm có trách nhiệm hỗ trợ 2 công ty mới khởi nghiệp, với tư cách là công ty tiền bối”, cô gái cho biết.
Tôi không còn thắc mắc nào nữa, mọi mảnh ghép trong bức tranh môi trường khởi nghiệp đã hoàn chỉnh.
Nếu tất cả đúng như lời kể của nữ doanh nhân này thì quả thật, họ có một môi trường tuyệt vời cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Chúng ta xây dựng được môi trường như thế, mục tiêu 500.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đến năm 2020 tại TP. HCM không phải là viển vông.