Hoặc là tiếp tục mặc bikini, hoặc là không gì hết!

Vì là người hay đi máy bay và thích sự vui vẻ, tôi bỏ qua những chỉ trích hằn học và vô lý khi cố tình gán ghép hình ảnh bikini của các cô người mẫu thành trang phục của các tiếp viên. Tôi thậm chí rất ơn chiến dịch đầy tính nhân văn lần này của VietJet.

Hoặc là tiếp tục mặc bikini, hoặc là không gì hết!

Cách đây 7 năm, khi đang học về quản trị DN, tôi rất hay nhầm lẫn các khái niệm giá trị cốt lõi, tầm nhìn, mục tiêu và sứ mệnh. Khi ấy, tôi hỏi một người bạn rất giỏi trong ngành quản trị rằng rằng thực sự thì giá trị cốt lõi là gì? Bạn tôi đã trả lời một câu ngắn gọn mà thấm thía, làm tôi nhớ mãi:

"Giá trị cốt lõi là thứ mà rút ra thì DN sẽ chết ngay".


Theo quan sát của tôi ngay từ khi xuất hiện, Vietjet đã định hình là một hãng hàng không kiểu mới với hình ảnh trẻ trung, năng động. Slogan "Bay là thích ngay" mang tính tuyên ngôn của hãng cũng dựa trên 4 giá trị cốt lõi An toàn, Vui vẻ, Giá rẻ, Đúng giờ.

Có những giá trị Vietjet đã làm rất tốt, thí dụ như dù không (quyết liệt) tuyên bố mình là hãng hàng không giá rẻ, có nhiều thời điểm cùng một chặng bay, tôi mua được vé của Vietjet thấp hơn tới cả trăm ngàn so với Jetstar. Giá trị an toàn được gửi gắm qua việc sử dụng toàn tàu bay mới . Còn đúng giờ là câu chuyện buồn muôn thuở của tất cả các hãng chứ đâu riêng gì Vietjet ? Ở vào tình cảnh đang phải phụ thuộc nhiều khâu vào dịch vụ của các doanh nghiệp độc quyền nhà nước như hiện nay, việc có đôi lúc hãng này hay hãng khác phải trễ giờ cũng là chuyện lực bất tòng tâm và thông cảm được.

ss

Trong khi An toàn, Giá rẻ và Đúng giờ là các giá trị thuộc vào phạm trù kỹ thuật thì vui vẻ lại nghiêng về phía cảm xúc nhiều hơn. Và cái sự vui vẻ của Vietjet nó gắn chặt với tính từ trẻ trung, năng động. Vietjet đã tận dụng mọi lúc mọi nơi để thể hiện giá trị đó của mình thông qua việc trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam cho tiếp viên mặc đồ "hiện đại" và phá cách. 

Nếu bạn thấy thích thú với hình ảnh các nữ sinh Nhật xinh xắn mặc váy, áo thuỷ thủ có gắn nơ tung tẩy đến trường, bạn cũng sẽ khó cưỡng việc ngắm nhìn chiếc quần ngắn kẻ caro của nữ tiếp viên hàng không Vietjet. Nếu bạn cho rằng giới trẻ hiện đại có mong muốn thể hiện bằng cách tiệc tùng với cocktail, nhạc DJ điện tử, ánh sáng lazer nhiều màu sắc và nhảy múa ở hồ bơi trong những poolparty cuồng nhiệt, thì bạn sẽ phát cuồng khi chứng kiến hoặc được nghe kể lại màn múa bikini trên nền nhạc Hawaii của Vietjet. Nếu bạn sẵn sàng lắc lư cơ thể khi nghe thấy giai điệu quen thuộc của bản nhạc Gangnam Style, bạn sẽ thích thú với màn flashmob đóng giả Lady Gaga mà Ngọc Quyên đồng diễn cùng các nhân viên của hãng.

Vì thế, nếu ai đó nói rằng hình ảnh một dàn hotgirls, người mẫu chân dài, xinh đẹp, nóng bỏng, mặc bikini đứng tạo dáng trước mặt là không hấp dẫn thì đó đơn giản là vấn đề sở thích cá nhân, cũng như sự khác biệt mang tính thế hệ. Chứ đấy không phải là lỗi của Vietjet . Với chú ý rằng, tôi đã mặc nhiên bỏ qua những chỉ trích quá hằn học và vô lý khi cố tình gán ghép hình ảnh bikini của các cô người mẫu qua thành trang phục của các tiếp viên! Cũng như việc tôi không quan tâm tới các lời ném đá nhắm vào cá nhân cô người mẫu, vì tôi hiểu rằng những người văn minh và quân tử thì họ sẽ không quan tâm điều đó.

Tuổi trẻ & dũng cảm


Khi nhìn nhận câu chuyện dưới góc độ DN, Vietjet đã thành công trong việc thể hiện nhất quán hình ảnh trẻ trung, vui vẻ mà hãng định vị từ đầu. Trừ khi luật pháp Việt Nam quy định các hãng hàng không phải nghiêm cấm ai đó quá đẹp mặc bikini đứng tạo dáng bên các tàu bay, tôi không thấy có gì sai trái cần lên án trong chiến dịch lần này của hãng. 

Tất nhiên việc họ làm thì hơi... mất an toàn! Không phải mất an toàn cho khách, mà mất an toàn cho chính họ khi đã dũng cảm phá vỡ rất nhiều định kiến vốn đã hằn sâu trong suy nghĩ của mọi người suốt hàng chục năm qua nhờ sự chỉn chu khuôn thước tới mức già cỗi của Vietnam Airlines. Cái bóng quá lớn của hãng hàng không quốc gia đã vô tình kiến tạo cho xã hội một tiêu chuẩn rằng đã là hàng không thì phải thế này thế khác. Tôi thậm chí còn thấy mọi người chia sẻ tâm sự của một tiếp viên Vietnam Airlines rằng em cảm thấy nhục nhã với bộ hình này. Nhưng cứ như vậy, thì kỳ cục quá! Vì tư cách đạo đức của một tiếp viên phải do thái độ, cách ứng xử, và việc làm của tiếp viên đó với hành khách mà họ đang ngày đêm phục vụ, chứ sao lại bàn chuyện nhục hay không nhục vì hình ảnh của mấy cô người mẫu đi chụp hình làm lịch Tết?

Nhưng cái sự dũng cảm ấy của Vietjet , xét cho cùng lại là việc đương nhiên. Vì nó góp phần bồi đắp, làm dày thêm cái giá trị cốt lõi trẻ trung, năng động và vui vẻ mà Vietjet kiên trì theo đuổi. Một lần nữa xin nhắc lại, giá trị cốt lõi là thứ mà rút ra, doanh nghiệp sẽ chết ngay. Vậy thì Vietjet sẽ có hai lựa chọn, hoặc tiếp tục "run rẩy" chụp hình người mẫu mặc bikini đưa lên lịch, hoặc là không gì hết. Cuộc chơi này rất sòng phẳng, và chiến thắng (hy vọng) sẽ dành cho người dũng cảm. 

Tôi thực tâm mong chờ điều đó, vì sau tất cả những viên bấc ném đi, hòn chì ném lại, thì còn bao nhiêu người quan tâm tới giá trị thực sự mà Vietjet mang lại? Vì là người hay đi máy bay và thích sự vui vẻ nên tôi rất ơn chiến dịch đầy tính nhân văn lần này của VietJet.

Tin bài liên quan