HSG vừa công bố ước kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2018-2019 (từ 1/4 - 30/6/2019) với doanh thu thuần đạt 7.228 tỷ đồng, giảm 30%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, cao hơn 90% so với cùng kỳ.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc HSG, doanh thu quý III giảm do thị trường nội địa gặp khó khăn khi thị trường bất động sản trầm lắng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng vào lĩnh vực này cũng như sự cạnh tranh trong lĩnh vực tôn thép gia tăng. Thị trường xuất khẩu khó khăn do xu hướng bảo hộ doanh nghiệp địa phương của các quốc gia trên thế giới và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, từ quý II niên độ tài chính 2018-2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Hoa Sen đã có lãi trở lại và đến quý III vừa qua phục hồi mạnh mẽ, đạt 183 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp quý này đạt hơn 13%, sau khi đã suy giảm xuống mức thấp trong quý I là 8,05%.
Lợi nhuận phục hồi ngoạn mục là nhờ Hoa Sen đã thực hiện hàng loạt biện pháp tái cơ cấu.
Cụ thể, Tập đoàn chủ động giảm nợ vay ngân hàng. Theo đó, tổng nợ vay ngân hàng vào đầu niên độ tài chính 2018-2019 là hơn 14.000 tỷ đồng thì đến hết quý III chỉ còn hơn 11.000 tỷ đồng. Nợ vay giảm do Hoa Sen thực hiện quản lý hàng tồn kho ở mức hợp lý, thực hiện phương châm “vừa đúng lúc”, giúp chi phí lãi vay giảm đáng kể.
Đồng thời, tái cấu trúc hệ thống quản lý, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống chi nhánh theo mô hình kinh doanh cấp tỉnh để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Từ 491 chi nhánh trong niên độ tài chính 2017 - 2018, Hoa Sen đã tái cơ cấu thành 55 chi nhánh tỉnh và 526 cửa hàng trực thuộc. Hoạt động tái cấu trúc này giúp Hoa Sen giảm chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 50% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Hoa Sen đã triển khai thành công hệ thống ERP sau gần 2 năm. Với hệ thống gồm Công ty mẹ, 10 nhà máy và hơn 580 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, việc đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao hiệu quả quản trị và tiết giảm chi phí hoạt động của Tập đoàn.
Hoa Sen còn thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt, cải thiện hiệu quả kinh doanh, giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên 13%.
Một trong các lợi thế của Hoa Sen là đầu tư hệ thống dây chuyền đồng bộ với công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường xuất khẩu như ASTM của Mỹ, EN của châu Âu, AS của Úc, JIS của Nhật Bản, SNI của Indonesia, SIRIM của Malaysia, BIS của Ấn Độ. Năm 2018, Hoa Sen đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho sản phẩm Tôn Hoa Sen và Ống kẽm Hoa Sen.
Trong bối cảnh nhiều nước dựng hàng rào bảo hộ, Hoa Sen đã thực hiện đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu sản phẩm đi 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, Tập đoàn đang tích cực làm việc với các đối tác thương mại để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường tiềm năng như Úc, Mexico, Canada, châu Âu… nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương như CPTPP, hay Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam vừa được ký kết.
Tháng 4/2019, Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn, trị giá 12 triệu USD đi Mexico. Đây là lô hàng tôn mạ lớn nhất xuất khẩu vào thị trường Mexico sau khi CPTPP có hiệu lực, mở ra nhiều triển vọng mới cho Tập đoàn và ngành thép Việt Nam. Với thị trường Mỹ, Hoa Sen chủ động nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. Ngoài ra, Tập đoàn chủ động hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại Hoa Sen, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC.
Với nền tảng đầu tư theo chiều sâu và hoạt động quản trị đã được tái cơ cấu, kỳ vọng Hoa Sen sẽ đạt được kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm nay.