Trong đó, trong quý II, HSG ghi nhận doanh thu đạt 12.661,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 234,07 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,7% và giảm 77,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,4% về chỉ còn 11,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 24,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 460,3 tỷ đồng về 1.430 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 18,7%, tương ứng tăng thêm 12,32 tỷ đồng lên 78,33 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 7,5%, tương ứng tăng thêm 8,94 tỷ đồng lên 128,02 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 52,8%, tương ứng tăng thêm 378,73 tỷ đồng lên 1.095,96 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù doanh thu vẫn tăng nhưng giá vốn tăng cao dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, ngoài ra, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý cũng tăng cao trong kỳ dẫn tới lợi nhuận giảm 77,4%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2021-2022, HSG ghi nhận doanh thu đạt 29.594,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 872,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 48,4% và giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, HSG mới hoàn thành 34,9% kế hoạch lợi nhuận năm với kịch bản lợi nhuận 2.500 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2021-2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của HSG ghi nhận âm 184,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.722,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 187,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 207,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của HSG giảm 16,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 4.405,6 tỷ đồng về còn 22.212,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 11.624,6 tỷ đồng, chiếm 52,3% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 6.215 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản và các tài sản khác.
Điểm đáng lưu ý, trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 57,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.612,7 tỷ đồng về 1.922,2 tỷ đồng; tồn kho giảm 5,9%, tương ứng giảm 724,5 tỷ đồng về 11.624,6 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn giảm 46,5%, tương ứng giảm 1.996,2 tỷ đồng về 2.297,7 tỷ đồng…
Như vậy, thay vì chiến lược tăng tồn kho, tăng bán chịu như năm 2021, HSG đã bắt đầu thay đổi chiến lược giảm tồn kho, thắt chặt chính sách bán hàng.
Ngoài ra, tính tới 31/3/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 3,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 234,9 tỷ đồng lên 7.071 tỷ đồng và chiếm 31,8% tổng nguồn vốn, tăng so với đầu năm chỉ là 25,7%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu HSG giảm sàn 1.950 đồng về 26.350 đồng/cổ phiếu.