Hoa Sen chuyển hướng đầu tư, vì sao?

(ĐTCK) Tại sao Hoa Sen không đầu tư nhà máy luyện sản xuất thép cán nóng từ quặng để gia tăng lợi nhuận mà lại quyết định đầu tư phát triển hệ thống phân phối?
Hoa Sen chuyển hướng đầu tư, vì sao?

Đó là câu hỏi mà cổ đông là đại diện một quỹ đầu tư lớn đặt ra đối với ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tại ĐHCĐ niên độ tài chính 2013 - 2014 diễn ra đầu tuần này.

Theo kế hoạch năm 2015, HSG phát triển thêm 50 chi nhánh bán lẻ trên cả nước và mục tiêu trong vòng 3 năm, nâng tổng số chi nhánh bán lẻ trên cả nước lên con số 300, gấp đôi so với hiện nay. HSG sẽ không bỏ tiền mua đất, mà chuyển sang thuê đất để hệ thống phân phối không chiếm dụng nguồn vốn.

Chiến lược này theo ông Vũ có hai ý nghĩa. Một là chuẩn bị kế hoạch “thoát hàng” khi thị trường xuất khẩu gặp rủi ro do biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng. Hiện nay, HSG xuất khẩu 40.000 tấn/tháng và mục tiêu sẽ tăng lên 80.000 tấn/tháng trong vài năm tới. Hai là, Hoa Sen vẫn coi thị trường nội địa là thị trường chính, nắm được thị trường nội địa mới an toàn, còn thị trường xuất khẩu dẫu có cơ hội nhưng bấp bênh.

Cũng theo ông Vũ, mỗi chi nhánh quy mô 5 - 7 nhân viên thường có lãi sau 2 tháng. Về dài hạn, khi hoàn thành 300 chi nhánh thì trình độ kinh nghiệm quản trị của HSG đã được nâng cao nên mô hình, phương thức tổ chức sẽ tiếp tục thay đổi. Theo đó, mỗi tỉnh có thể có 1 công ty phân phối, thuộc Tổng công ty phân phối Hoa Sen.

Nếu quyết định phát triển hệ thống bán lẻ của HSG là đầu tư về hạ nguồn thì việc đầu tư nhà máy luyện sản xuất thép cán nóng, nguyên liệu sản xuất tôn là đầu tư về thượng nguồn. Quan điểm của ông Vũ là “để ngỏ khả năng đầu tư thượng nguồn của HSG”, vì đầu tư một nhà máy luyện cán nóng cần số vốn hàng tỷ USD và nhà máy phải có đầu ra từ 1 - 1,5 triệu tấn sản phẩm. HSG cần xây dựng thị trường tiêu thụ sản lượng sản phẩm đầu ra ở điểm hòa vốn, trước khi nghĩ đến kế hoạch lớn hơn là đầu tư cán nóng hay phát triển mảng phân phối hiện nay thành hệ thống phân phối vật liệu xây dựng giống mô hình Home Depot (là nhà bán lẻ chuyên hàng vật dụng xây dựng nhà, nội thất, các sản phẩm gia dụng và dịch vụ tại Mỹ)

Mặt khác, theo ông Vũ, trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay, doanh nghiệp nào nắm được thị trường, có được hệ thống phân phối mới giữ được thế chủ động. Doanh nghiệp ngoại đầu tư thượng nguồn chưa chắc lợi thế hơn HSG, đầu tư hệ thống phân phối bán hàng đến tận tay người mua.

Được biết, giá thép cán nóng đã giảm mạnh trong năm qua từ 540 USD/tấn xuống còn 390 USD/tấn và dự kiến còn tiếp tục giảm cho đến hết năm 2016. Hiện nay, HSG đã tiêu thụ hết hàng tồn kho giá cao và đã nhập nguyên liệu cho đơn hàng sản xuất vào tháng 3 tới.

Theo báo cáo của HSG, thị trường tôn năm 2014 đón nhận sự gia nhập của một số thành viên mới nên thị phần HSG đã thay đổi từ 39,3% năm trước đó xuống 36,9%, mặc dù sản lượng bán của các thành viên trong hiệp hội Thép Việt Nam tăng từ 1,348 triệu tấn lên 1,610 triệu tấn.

Thị phần sản phẩm ống thép đã tăng từ 14,5% lên 18,2 % và là 1 trong 2 doanh nghiệp cùng với Hòa Phát dẫn đầu thị phần tiêu thụ ống thép cả nước.

Tin bài liên quan