Hàng trăm container trái cây, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc vào thời điểm dịch bệnh phải quay đầu trở về.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây.
Tuy nhiên, do những diễn biến mới của dịch bệnh virus corona, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ (cửa khẩu) thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31-1 đến hết ngày 8-2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9-2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3-2). Như vậy, từ trước Tết âm lịch đến nay, các cửa khẩu vẫn trong tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã lâm vào tình trạng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Chánh Thu (chuyên xuất khẩu trái cây), cho biết hàng trăm container trái cây, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc vào thời điểm này phải quay đầu trở về. Một số chấp nhận bán tháo tại Hà Nội, số khác chọn cách bóc cơm để chế biến.
"Chúng tôi đang bị tổn thất nặng nề, hàng tồn kho rất nhiều, không biết phải xử lý như thế nào. Do đó, rất cần có giải pháp hỗ trợ để chúng tôi vượt qua khó khăn, nông dân và các doanh nghiệp cũng phải cùng nhau chia sẻ rủi ro này", bà Thu nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cũng xác nhận, việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, mọi hoạt động thương mại đều bị tê liệt, đình trệ. Bị ảnh hưởng ặng nề nhất là các mặt hàng nông sản như rau củ, trái cây, đặc biệt là các nhóm nông sản có thời gian bảo quản ngắn ngày.
Cùng với việc đình trệ xuất khẩu, giá nông sản bị "rớt" thảm hại. Nhiều chủ vườn trái cây ở Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang); Chợ Lách (Bến Tre), Bình Tân (Vĩnh Long), Bến Tre... cho biết, chưa khi nào giá trái cây sau Tết rớt thảm hại như năm nay.
Chị Nguyễn Nhi, chủ vườn trái cây ở Cai Lậy, chia sẻ thương lái kéo giá sầu riêng làm chị lỗ cả trăm triệu đồng với vườn sầu riêng 4.000m2. Theo đó, trước Tết họ đặt cọc mua sầu riêng với giá 75.000 đồng/kg, sau Tết sẽ thu hoạch để xuất bán sang Trung Quốc nhưng nay giá rớt còn 49.000 đồng/kg nên họ "bỏ của chạy lấy người".
Không chỉ sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, thanh long cũng đang giảm giá mạnh mà thương lái cũng thờ ơ. Tại vườn ở Tân Phong (Tiền Giang), giá chôm chôm chỉ còn 10.000 đồng/kg trong khi trước đây ở mức 25.000-35.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn không biết phải làm sao khi trái bắt đầu chín rộ.
Để giải quyết tình hình trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ vừa họp với các đơn vị chức năng để rà soát tình hình sản xuất và đưa ra các biện pháp trước mắt và lâu dài.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại tình hình sản xuất và Bộ sẽ xây dựng các kịch bản phối hợp với bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, siêu thị để tăng cường tiêu thụ nội địa, sơ chế, chế biến…; nâng cao năng lực các kho lạnh tại các địa bàn trọng điểm.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản gửi các địa phương rà soát lại từng sản phẩm trái cây, lịch thời vụ chi tiết, cụ thể. Bộ đề nghị các doanh nghiệp để tăng cường công suất chế biến, thu mua, sơ chế, lưu kho.
Đầu tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với Bộ Công Thương và các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam để phát huy tối đa hệ thống này, đặc biệt là các kho lạnh để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tập trung đa dạng hóa các thị trường và ngay trong tháng 2, Bộ sẽ có các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Trung Đông, ASEAN để giải tỏa sức ép về thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đây không phải là giải cứu mà qua đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung vào nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa thị trường, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua. Về lâu dài, ngành sẽ rà soát lại cơ cấu mùa vụ để có lịch thu hoạch hợp lý.
“Bộ trưởng mong muốn các đơn vị, địa phương vào cuộc một cách chủ động, nông dân bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương, các doanh nghiệp để tránh tình trạng tư thương lợi dụng ép giá”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo người dân khi sản xuất nên ký kết bằng hợp đồng với các đối tác thu mua, tiêu thụ. Vì như vậy nếu đối tác có hủy hợp đồng trong trường hợp có dịch bệnh sẽ có bảo hiểm, đền bù hợp đồng, hỗ trợ phần nào thiệt hại cho bà con.