Doanh nghiệp: Vẫn nhiều vướng mắc
“Vì có anh Cường, nên tôi xin có ý kiến về việc áp mã HS. Tổng cục Hải quan nên thống nhất việc áp mã HS giữa các đơn vị trên toàn quốc. Hiện có mặt hàng của chúng tôi, cùng một mặt hàng là thiết bị dàn lạnh công nghiệp, mà ở các cục hải quan khác nhau lại áp mã HS khác nhau, và mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng khác nhau. Doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc thì không cạnh tranh được vì bị áp thuế suất cao”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên đã rất tranh thủ diễn đàn gửi đề nghị trực tiếp với ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu khu vực 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên) sáng 2/3 nóng lên bởi những ý kiến trực tiếp. Đây là các địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế và cũng là khu vực tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn 4 địa phương đạt khoảng 46 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, các vướng mắc rất đa dạng.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản kể, là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu bưởi đỏ sang châu Âu, nhưng thời gian để 1 container của doanh nghiệp đi từ Hải Phòng đến châu Âu mất 70 ngày, trong khi từ Thái Lan tới châu Âu chưa tới 40 ngày.
Một container 5.000 quả bưởi, thu hoạch 3 tháng, ngày 24/11/2022, hàng rời Hòa Bình, 3 ngày tới Hải Phòng và đến ngày 3/2/3023 cập cảng ở London.
“Hoa quả Thái Lan sang đến nơi vẫn tươi rói, còn chúng tôi dù được các cơ quan liên quan rất ủng hộ, mất 70 ngày. Chúng tôi còn xuất khẩu ớt, mía..., nhưng kiểm tra chuyên ngành rất nhiều, lãi suất vay ngân hàng thì tới 9%. Nói như vậy để thấy, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thế nào”, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa chia sẻ tại Hội nghị.
Ông Phạm Ngọc Thức, Công ty Fusa lo ngại khi thời gian 5.000 quả bưởi đi từ Hải Phòng đến châu Âu mất 70 ngày. |
Thậm chí, Giám đốc Công ty Khánh Thọ, Hải Dương còn đề nghị "nhất thiết phải phát biểu", dù đã đến 12h trưa. Bà gửi trực tiếp đến ông Trần Văn Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
“Tôi xuất khẩu cá rô đồng chế biến sẵn số lượng lớn theo đường chính ngạch, muốn đề nghị hỗ trợ thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, để biết có trình tự, quy định, rào cản của các thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng hàng đi rồi, đến nơi lại bị cấm, như đã có doanh nghiệp vấp phải”, bà Bùi Thị Khánh, Giám đốc Công ty Khánh Thọ chia sẻ.
Thực tế, trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc tìm hiểu chính sách, pháp luật và tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) giữ một vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp. Chính sách càng thuận lợi, thủ tục hành chính càng tinh gọn sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung trên thương trường quốc tế.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã nhắc đến những vấn đề này ngay khi bắt đầu cuộc đối thoại.
Nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông quan và giám sát hàng hóa; thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành; và từng bước minh bạch các thông tin thương mại.
Cùng với đó, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các bộ ngành từng bước thực hiện...
Song, theo ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia về quản trị địa phương và chính sách công, Ban Pháp chế (VCCI), các vấn đề mà doanh nghiệp kêu khó vẫn còn nhiều.
Như là, tiếp cận thông tin vẫn là trở ngại lớn. “38% doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc này. Các doanh nghiệp có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, quy mô lớn, có nhiều mã hàng hóa, tương tác với nhiều cơ quan bộ ngành kêu nhiều hơn”, ông Trọng nói.
Việc minh bạch thông tin đang tốt hơn, doanh nghiệp thừa nhận khi nhắc đến các cổng thông tin ở các cấp, ngành, nhưng vì vẫn phân tán theo ngành, chưa có nơi tập hợp thông tin, nên việc tìm kiếm đầy đủ thông tin để tuân thủ, như các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu vẫn rất khó khăn. Điểm hỏi đáp của nhiều cơ quan cũng được tổ chức, nhưng số điểm có tương tác đều đặn là số ít. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục than phiền về thủ tục kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế, thủ tục thông quan và đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành.
“Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn rất nhiều. Thậm chí, không quy trình, thủ tục nào được doanh nghiệp đánh giá là dễ thực hiện cả", ông Trọng chia sẻ.
Bộ, ngành địa phương: Sẽ xử lý dứt điểm
Sự thẳng thắn của các doanh nghiệp có lý do. Trước đó, trong phần khai mạc, ông Trần Văn Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đều thẳng thắn đề nghị doanh nghiệp mạnh dạn nêu rõ khó khăn.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Hội nghị đối thoại. |
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu; nguyên nhân do đâu, do cán bộ công chức hay do cơ chế chính sách chưa phù hợp… Vì phải rõ nguyên nhân, mới bàn được phương án tháo gỡ khó khăn", ông Quân nói.
Về phía Hải Dương, ông Quân cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết nhanh nhất có thể.
Ông Cường cũng giới thiệu các bộ phận chuyên môn của Tổng cục Hải quan có mặt để sẵn sàng nghe, ghi nhận và giải đáp ngay những vướng mắc của doanh nghiệp.
"Năm nay, tình hình kinh doanh còn khó khăn, nên chúng tôi xác định các bên cần phải ngồi lại với nhau vì mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng phải ngồi lại để xem phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành vướng ở đâu, vì sao chưa nhanh gọn, chưa cập nhật thông tin, không để tình trạng như doanh nghiệp nói là khai, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu đến; doanh nghiệp đã nộp thuế qua online nhưng phải nộp bản chụp cho hải quan...", ông Cường thẳng thắn nhìn nhận.
Bên cạnh việc giao các đơn vị liên quan trực tiếp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Cường cam kết sẽ làm việc ngay với các bộ, ngành, trong đó ưu tiên các lĩnh vực có nhiều vướng mắc như nông nghiệp và phát triển nông thôn, để tìm giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
"Ngay sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước", ông Cường cam kết.