Theo số liệu thống kê của ngành vật liệu hàn, hiện hàng năm Việt Nam cần khoảng 100.000 tấn thép carbon thấp để làm que hàn.
Theo ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc CTCP Thép Hòa Phát, đây là loại thép chuyên dụng, đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt hàm lượng các-bon phải dưới 0,09%, Mangan dưới 0,65% nên rất mềm, các thành phần tạp chất khác như P, S đều yêu cầu hàm lượng phải rất nhỏ. Thép dùng làm lõi que hàn điện có mác thép SWRY 11, tiêu chuẩn Nhật JIS G 3503 (2006); mác thép H08A, tiêu chuẩn Trung Quốc GBT 3429; lõi dây hàn tự động mác thép EM 12K, tiêu chuẩn Mỹ ASME SFA / AWS A5.17,…
Các loại mác thép và tiêu chuẩn có thể khác nhau nhưng đều ở dạng cuộn tròn trơn Φ 6.0 mm hoặc 5.5 mm và trọng lượng cuộn yêu cầu là 400 kg/cuộn, không bị rối, xoắn. Ở Việt Nam và trên thế giới, chỉ các nhà máy thép sản xuất bằng công nghệ lò cao và lò thổi mới luyện được sản phẩm này. Vì vậy, thép Hòa Phát tự tin sẽ sản xuất được theo các tiêu chuẩn trên và đáp ứng 100% nhu cầu thép cuộn cho các dây chuyền sản xuất que hàn trong nước với chất lượng và giá thành tốt.
Trước đây, Hòa Phát cũng đã từng sản xuất thép cuộn cho rút dây để xuất khẩu sang Úc với thành phần các-bon (C) xấp xỉ 0,12%. Thép làm que hàn đòi hỏi cao hơn, do đó, Thép Hòa Phát cần có thời gian điều chỉnh về công nghệ và mua sắm thiết bị tại khâu ra thép và khâu đúc cho phù hợp.
Hiện tại, Công ty đã đặt hàng các thiết bị chuyên dụng như hệ thống kiểm soát xỉ lò thổi bằng âm tần, hệ thống đúc kín bảo vệ dòng đúc chống ôxy hóa, hệ thống khuấy đảo từ trường dòng đúc để khử tạp chất và tăng chất lượng phôi đúc. Dự kiến, Công ty sẽ sản xuất thử sản phẩm thép làm que hàn vào cuối tháng 7/2016.