Thưa bà, năm ngoái, Thép Hòa Phát đã kiến nghị Bộ Công thương không cho xuất khẩu quặng và cam kết mua toàn bộ quặng qua chế biến với giá bằng hoặc cao hơn giá xuất khẩu thực thu sau thuế xuất khẩu? Vậy sau khi có chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt thì Hòa Phát thực hiện cam kết này như thế nào?
Theo tinh thần Văn bản số 407/TB-VPCP ban hành ngày 17/12/2012, Chính phủ cho phép xuất khẩu khoáng sản tồn kho nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp theo đề nghị của UBND các tỉnh. Bộ Công thương cũng ban hành Thông tư số 41/2012 chỉ cho phép đặc cách xuất khẩu các trường hợp quặng đã qua chế biến, có nguồn gốc hợp pháp. Từ việc nới lỏng này, hàng loạt địa phương ồ ạt xin xuất cho doanh nghiệp và số lượng xin xuất khẩu đã lên đến hàng triệu tấn, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu vượt quá số lượng cho phép, thậm chí là xuất lậu. Trong khi một số lò cao trong nước đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu, việc xuất khẩu quặng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thép trong nước, đồng thời làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Chính vì vậy, ngày 2/7/2013, CTCP Thép Hòa Phát đã có công văn trình Bộ Công thương đề nghị dừng mọi hoạt động xuất khẩu quặng sắt để đảm bảo cho nhu cầu trong nước, đồng thời cũng cam kết mua lại quặng đã qua chế biến của các doanh nghiệp trong nước.
Thực tế, HPG vẫn đang là đầu mối tiêu thụ quặng sắt trong nước với giá gần tương đương với giá nhập về đến Việt Nam và cao hơn giá xuất khẩu. Với loại quặng đạt hàm lượng 63,5% Fe như tiêu chuẩn thế giới thì trong nước đang rất thiếu, cung nhỏ hơn cầu rất nhiều. Hòa Phát cũng đang cần vì nhu cầu là rất lớn, nhưng không đủ nguồn hàng để mua.
Hiện HPG tiêu thụ bao nhiêu quặng trong nước, trong đó mỏ quặng của Hòa Phát đáp ứng được bao nhiêu?
Nhu cầu quặng sắt cho sản xuất thép của Hòa Phát khoảng 1,35 triệu tấn quặng tinh/năm; trong đó, HPG tự cấp khoảng 40% còn lại là mua của nhiều đối tác.
Giá HPG mua trong nước và giá nhập khẩu chênh lệnh nhau như thế nào?
Hiện Hòa Phát đang sử dụng tinh quặng sắt magnetite hàm lượng trên 63%Fe. Nếu nhập khẩu về đến Việt Nam thì giá tương đương khoảng 2,4 triệu đồng/tấn. Giá HPG mua quặng trong nước từ 2,1 - 2,3 triệu đồng/tấn. Với loại quặng limonite hàm lượng thấp từ 50% Fe thì giá rất hạ, chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tấn. Loại quặng này muốn đưa vào lò cao phải qua chế biến với chi phí lớn hơn. Khi hoàn thành, giá tương đương với quặng hàm lượng cao trên thị trường.
Nếu được phép xuất khẩu quặng, giá thực thu của doanh nghiệp Việt Nam chỉ từ 1,3 – 1,4 triệu đồng/tấn đối với loại quặng hàm lượng trên 63% Fe, nên các công ty sản xuất quặng đều muốn bán hàng trong nước hơn.
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ lò cao vào sản xuất thép, HPG có được lợi thế gì từ công nghệ này?
Sản xuất thép từ công nghệ lò cao là công nghệ tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay, với khoảng 75% nhà máy thép trên thế giới ứng dụng công nghệ này. Với việc đầu tư sản xuất thép từ lò cao, chúng tôi đã thực hiện được chuỗi sản xuất khép kín và chuyên sâu từ quặng sắt tới thép thành phẩm, giúp giảm chi phí sản xuất và kiểm soát tốt chất lượng.
Bên cạnh đó, việc chủ động sản xuất được than cốc – nguồn năng lượng quan trọng nhất trong việc chế biến quặng thành thép, chiếm tới 30% giá thành sản xuất thép, cũng là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Thép Hòa Phát so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Thép Hòa Phát có phải là nhà sản xuất thép dùng quặng, sử dụng công nghệ lò cao duy nhất trên thị trường hiện nay?
Hiện có khoảng 14 nhà máy thép sử dụng quặng sắt, trong đó 9 nhà máy đang hoạt động như Hòa Phát là Thái Nguyên, Vạn Lợi, Dong Bu, Hằng Nguyên… Các nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 – 2015 như Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (giai đoạn 1) công suất 500.000 tấn/năm, Công ty Luyện gang thép Cao Bằng (thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam) có công suất 180.000 tấn/năm, Công ty Thép Formosa công suất 7 triệu tấn/năm (2 lò cao)…