Hòa Phát (HPG) trữ gần 40.000 tỷ đồng ứng phó với thắt chặt tiền tệ, tập trung cho Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

Hòa Phát (HPG) trữ gần 40.000 tỷ đồng ứng phó với thắt chặt tiền tệ, tập trung cho Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Hòa Phát (HPG - HOSE) tiếp tục mở rộng thị phần trữ gần 40.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền tập trung đầu tư cho dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và ứng phó với biến động kinh tế vĩ mô phức tạp.

Không nằm ngoài ảnh hưởng suy thoái mang tính chu kỳ của ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận khoản lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022 nhưng thị phần vẫn tiếp tục mở rộng, dòng tiền được quản trị tốt với gần 40.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền tập trung đầu tư cho dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và ứng phó với biến động kinh tế vĩ mô phức tạp.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ thép thô của Hòa Phát đạt hơn 6 triệu tấn, trong đó 3,46 triệu tấn thép xây dựng và 2,04 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Sản lượng ống thép và tôn đạt lần lượt 577.000 và 249.000 tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát vẫn tăng 24%.

Đặc biệt, sản lượng HRC, ống thép của Tập đoàn vẫn tăng tương ứng 5% và 16%, trong khi sản lượng thị trường cho hai loại sản phẩm này giảm tương ứng 12% và 4%. Thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong quý 3/2022 ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép.

Đối với xuất khẩu, khi cầu tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang yếu, Hòa Phát tập trung khai thác các thị trường khác ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế như khu vực Đông Nam Á và một số nước khác ở châu Á.

Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, lượng tiền mặt tiền gửi của Hòa Phát đạt 39.442 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 12 tháng chiếm 68,5% các khoản tiền và tương đương tiền, tăng 8.794 tỷ đồng so với đầu năm cho thấy quản trị dòng tiền rất tốt.

Dưới tác động của thắt chặt tiền tệ cả trên thế giới và trong nước, ngành thép sau 2 năm thuận lợi đã bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ với màu sắc ảm đạm khi các doanh nghiệp đều thua lỗ nặng. Có công ty thép dừng hoạt động lò cao, có công ty lên kế hoạch dừng sản xuất dài ngày, có công ty quy mô nhỏ lâm vào tình cảnh phá sản buộc ngân hàng phải bán tài sản cầm cố là nhà máy.

Trong bối cảnh đó Hòa Phát khó tránh khỏi ảnh hưởng chung. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp thép là tỷ giá biến động, giá nguyên liệu biến động giảm rất nhanh và nhu cầu tiêu thụ suy giảm.

Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới đã dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung cùng với các lệnh trừng phạt đã làm đứt chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Giá than đã tăng gấp ba mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 5.

Bên cạnh đó, vòng quay hàng tồn kho thông thường khoảng 3 tháng, nên giá thành sản xuất thép quý III phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II.

Đây là nguyên nhân khiến giá vốn hàng bán của Hòa Phát tăng mạnh 6.290 tỷ đồng tương đương tăng 23% so với cùng kỳ.

Nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm khiến giá thép giảm sâu, nên dù sản lượng bán hàng của Hòa Phát tăng nhưng không đủ bù đắp tốc độ giá 3% của thép xây dựng giảm 3%, giảm 26% của HRC và các sản phẩm từ HRC như ống thép, tôn giảm lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ nên doanh thu của Hòa Phát giảm. Việc tiếp tục trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá giảm làm biên lợi nhuận quý 3 cũng mỏng đi.

Tác động của giá đầu vào tăng nhanh và giá bán giảm mạnh được giảm thiểu khi Hòa Phát tập trung quản trị chặt chẽ hàng tồn kho để giảm bớt gánh nặng cho nhu cầu vốn lưu động và nợ vay ngắn hạn bằng cách kết hợp giữa việc nỗ lực tiêu thụ hàng để giảm lượng tồn thành phẩm, đồng thời rút ngắn thời gian tồn và giảm tỷ trọng tồn nguyên vật liệu. Đặc biệt khi nguyên liệu đang trên đà giảm giá, chiến lược đẩy tốc độ vòng quay giúp Tập đoàn nhanh chóng đưa giá mua nguyên vật liệu rẻ hơn vào giá vốn của thành phẩm mới.

Mức tồn kho đã giảm mạnh 13.537 tỷ đồng, từ hơn 58.317 tỷ đồng cuối quý II/2022 xuống còn 44.779 tỷ đồng vào cuối quý III/2022, trong đó thành phẩm, hàng hóa và sản phẩm dở dang giảm 1.030 tỷ đồng, nguyên vật liệu giảm 12.224 tỷ đồng. Độ dài của chu kỳ vòng quay hàng tồn kho đã được rút ngắn đáng kể từ 172 ngày xuống còn 126 ngày. Trong đó, vòng quay nguyên vật liệu giảm từ 102 xuống còn mức ngắn nhất 62 ngày, tỷ trọng nguyên vật liệu giảm xuống mức thấp nhất 49% so với các quý trước.

Tỷ giá biến động USD/VND biến động mạnh là nguyên nhân khách quan đóng góp lớn vào khoản lỗ của qúy III khi Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ đồng.

Việc quản trị chặt tồn kho đã giúp Hòa Phát hạ dư nợ vay vốn lưu động, giảm đi phần nào ảnh hưởng bất lợi khi lãi suất tăng cao đồng thời đồng thời linh hoạt cân đối giữa lợi thế cạnh tranh về giá vay ngoại tệ và nội tệ khi tỷ giá biến động để tối ưu chi phí tài chính.

Với sức khỏe tài chính tốt, kinh nghiệm quản trị vượt quá khó khăn có tính chu kỳ của ngành thép, Hòa Phát tiếp tục ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Dự án Khu liên hợp Dung Quất - Giai đoạn 2 với tổng đầu tư 3 tỷ USD, công suất 5,6 triệu tấn HRC đã lựa chọn xong nhà thầu đạt tiêu chuẩn và đang xúc tiến ký kết hợp đồng cũng như triển khai các bước đầu tiên cho các hạng mục máy móc thiết bị chính (lò cao, lò thổi, dây chuyền cán...). Trong thời kỳ khó khăn, Hòa Phát ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực đảm bảo cho dự án lớn nhất này.

Tin bài liên quan