Hoa nở bên đời

Hoa nở bên đời

(ĐTCK) Năm học đầu tiên của cấp phổ thông trung học, lần đầu tiên tôi và một bạn gái trong lớp được cử đi thi cắm hoa nhân ngày 8/3 do nhà trường tổ chức.

Trước đó, những đứa trẻ hồn nhiên mà lớn như lứa chúng tôi ngày ấy hoàn toàn chưa có khái niệm về cắm hoa nghệ thuật. Suốt những năm tháng ấu thơ, dịp duy nhất nhà tôi trưng lọ hoa trong nhà là vào dịp tết. Để có được lọ hoa ưng ý, thường là vào ngày 28, 29 tháng Chạp, mẹ đạp xe đưa tôi đi chợ hoa ở cách nhà chừng bốn năm cây số.

Rời khỏi lưng áo mẹ, tôi ngợp giữa muôn hoa khoe sắc giữa tiết xuân se se, nắng xuân rạng rỡ đủ khiến gò má thiếu nữ ửng hồng. Nào hải đường chúm chím như giấu lửa cạnh kẽ lá. Nào lay ơn cánh mỏng, quý phái như nếp váy lụa của tiểu thư đài các trong câu chuyện cổ nào đó.

Nào violet tím xôn xao như vào cuộc hẹn hò. Nào thược dược sặc sỡ bung nở như muốn tận hiến hết tinh túy cùng đất trời vào xuân... Nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào tưng bừng rợp trời. Tôi như trôi đi giữa những vũ điệu hoa quanh mình, hân hoan, náo nức. Và rồi, giữa rất nhiều luyến tiếc, bịn rịn, tôi cũng đành phải trở về nhà khi mẹ đã chọn đủ hoa như ý muốn.

Dù phân vân rất lâu giữa muôn sắc hoa, cuối cùng, mẹ vẫn chọn để cắm một bình gồm lay ơn phớt hồng, thược dược đủ màu sắc và violet tím làm nền. Sự đan cài của những sắc hoa trắng, hồng, tím, đỏ, vàng... khiến không gian trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi như sáng bừng lên.

Thực ra, vào những ngày khác trong năm, tôi vẫn bầu bạn với hoa cỏ vườn nhà. Khu vườn nhỏ của gia đình, nhờ bàn tay mẹ chăm bón ân cần mà bốn mùa xanh tươi, trổ đầy hoa, kể cả những tháng hè nắng sém bỏng cả hiên nhà, hay đông sang giá buốt. Ngay trước cửa nhà tôi là một vườn hồng, loại hồng thơm, cành nhỏ, nhiều gai, nhưng cho bông to và rất sai.

Hoa nở bên đời ảnh 1

Vườn hồng quanh năm chẳng khi nào vắng những nụ thơm chúm chím đầu cành, gọi mời gió đến. Còn ở lối đi từ chiếc cổng gỗ vào nhà chừng ba chục mét là hàng hoa bóng nước và hoa mười giờ. Mùa hè, có những buổi sáng tôi tha thẩn cả tiếng đồng hồ trên con đường hoa ấy, đợi đến thời khắc dàn đồng ca hoa hòa giọng bừng nở.

Trong vườn còn vô số loài hoa khác: Mào gà ngẩng đầu ngạo nghễ, tóc tiên xinh xẻo hiền lành, hoa dong riềng đỏ rực như thắp lửa ở góc vườn, hoa bưởi nồng nàn, hoa táo tinh khôi, hoa muống biêng biếc như nét mực loang trên trang sách học trò, hoa mồng tơi tựa như những hạt ngọc cài đầu mà nàng tiên nào vừa để quên đêm qua… Tôi say sưa trong thế giới của riêng mình, bầu bạn cùng cây cỏ, hoa lá, an nhiên và hạnh phúc.

Bởi vậy, khi được chọn đi thi cắm hoa, tôi có đôi phần lúng túng. Tôi thực không biết bắt đầu “tác phẩm nghệ thuật hoa” của mình như thế nào. Cô bạn cùng nhóm cắm hoa với tôi cũng bối rối không kém. Không dám xin tiền mẹ mua hoa để đi thi, vì thương mẹ còn phải lo tiêu dè từng bữa ăn đạm bạc, chúng tôi phân công nhau hái hoa từ vườn nhà.

Dương xỉ mọc ở chân tường. Hoa cải vừa bừng sắc nắng. Hồng đang e ấp tự tình. Và rồi chúng tôi lang thang ra bãi cỏ hoang gần trường, hái cả những bông hoa dại bé xinh, đủ sắc màu: Xuyến chi dịu dàng, chua me đất rụt rè, trinh nữ e ấp, bìm bìm tinh nghịch, dừa cạn khỏe khoắn...

Giỏ hoa của chúng tôi chỉ nhỏ nhẹ, khiêm tốn vậy thôi mà có đến cả chục loài hoa. Hai đứa con gái mới lớn loay hoay cho ra đời tác phẩm hoa “Giấc mơ của Lọ Lem” trong những tưởng tượng đầy mê say. Ở đó, có thảm hoa dại dìu bước chân Lọ Lem tìm đến chàng hoàng tử của mình, cổng thiên đường đan bằng những cành dương xỉ lấp lánh hoa cải vàng như những vì sao... Họ đã gặp được nhau trong cõi hoa mộng ảo, mê say.

Nhớ lại những năm tháng tuổi hoa đẹp đẽ, tôi không thể nào quên giấc mơ hoa hồn nhiên của những “cô Lọ Lem” ngày ấy. Và cũng từ đó, tôi biết yêu hơn thế giới của hoa cỏ quanh mình. Mỗi loài hoa dù đài các kiêu sa trong vườn cảnh, hay bé dại, khiêm nhường ở một góc đường vắng bóng người qua lại, đều như hàm chứa trong mình những điều bí ẩn. Đó có thể là những câu chuyện về sự hiện diện của chúng trong cõi đời này, hay những tâm tư trong thế giới của các loài hoa cần được giãi bày, chia sẻ với con người.

Có lúc tôi tự hỏi: Hoa có số phận, có linh hồn không? Hãy cùng nhìn mà xem, những sắc hoa dù rạng ngời, lung linh hay chân phương, hồn hậu, dường như đều có nhu cầu dâng hiến cho đời. Những cành hoa bị gió vô tình quật gẫy vẫn gắng gỏi tự làm lành vết thương để tỏa sắc. Người yêu hoa, hoa thắm hơn, quyến luyến mùi hương chẳng nỡ chia xa. Người vô tình, hoa rã rời sã cánh, ngậm ngùi lìa bỏ cõi nhân gian.

Có những buổi chiều, mặc nắng đã lịm dần trên ngõ xóm, tôi vẫn ngẩn ngơ ngắm nhìn một sắc hoa dại mầu tím nhỏ xinh như dấu chấm tròn nằm ngoan trên vệt cỏ bên đường. Có những buổi tan trường, tôi lạc bước trong công viên thành phố chỉ vì mải say đắm ngắm nhìn một loài hoa cúc lạ, hay thả hồn giữa vườn hoa cánh bướm dập dờn như thể có cả đàn bướm rực rỡ sắc màu đang vờn múa quanh mình. Tôi tưởng như mình đang nghe hoa trò chuyện. Và rồi tôi hình dung những loài hoa cỏ ấy được về tề tựu trong ngôi vườn nhỏ của mình, mỗi sớm mai cùng tôi thức dậy đón những bình minh. 

****

Giấc mơ thời hoa niên về một khu vườn thắm sắc hoa ám ảnh tôi mãi đến tận bây giờ. Nhà cũ, làng cũ đã thành phố mới, với nhà cửa chen dầy đến ngột thở, cùng những tòa cao ốc đua nhau vươn lên trời cao. Bóng dáng cây xanh nhạt dần trong mỗi khu dân cư, trên từng ngõ xóm. Có những con đường phải hy sinh cả rặng cây cả trăm năm tuổi cho sự phát triển. Sự đánh đổi ấy khiến không ít người xót xa. Cuộc sống đang vắng dần cây xanh và thiếu đi sự sinh động của hoa cỏ. 

Mỗi mét vuông đất giờ đây được tính thành tiền, thành vàng. Không mấy ai dành “tấc vàng” chỉ để trồng lên vài luống hoa gọi ong bướm đến, hay làm dịu mắt những trưa hè. Giờ đây, những con ngõ được lát gạch hoặc bê tông hóa, những hàng rào dâm bụt, hàng rào găng thay bằng những bức tường kiên cố, lạnh lùng. Cúi xuống đất không còn hoa hân hoan bừng nở. Ngẩng đầu lên chỉ thấy hun hút gió thổi qua những tòa nhà cao ngất. Giấc mơ hoa bỗng trở nên xa xỉ trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Tất nhiên, hoa vẫn nở trên bàn tiệc, vẫn hiện diện trong lễ tân gia, mừng tuổi mới, đón cô dâu về nhà chồng, vui ngày gặp mặt... Hoa không thể thiếu trong ngày lễ tình nhân, giúp học trò bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo, tưởng nhớ người đã đi xa... Nhưng hoa hình như chỉ có thể nở vội vàng để dành thời gian cho con người lo toan những công việc khác tất bật hơn, quan trọng hơn. Và để lâu bền, tiện dụng, ở đây đó hoa nhựa, hoa lụa có sắc, không hương bắt đầu thay thế cho hoa tươi trong những lễ nghi, đình đám, hội hè.

Không có hoa tươi, cuộc vui chẳng vì thế mà kém rộn ràng. Không có hoa tươi, cũng chẳng giúp điều ước của ai đó trở thành sự thật. Nhưng sự vắng bóng của những bông hoa biết đùa vui cùng nắng sớm, ngậm hương lúc đêm về dần dần cũng khiến nhiều người thấy trống vắng, nhớ nhung. 

Có lẽ chưa bao giờ các ban công, sân thượng tại các tòa cao ốc lại được tận dụng để “xanh hóa” như bây giờ. Cỏ cây đã từng bị lấy đi phần đất rộng rãi vốn là nơi để sinh sôi nảy nở để nhường chỗ cho những công trình xây dựng mọc lên không ngơi nghỉ, giờ được trả về bởi những vuông đất chật chội.

Và hoa lại bền bỉ khoe sắc trên những tầng cao, an nhiên, tự tại, không mảy may hờn giận con người. Hoa vịn vào những gờ bê tông đón nắng, đón gió. Hoa an nhiên khoe sắc giữa những lan can ban công giăng mắc áo quần. Hoa nhẫn nại tỏa hương giữa những tòa nhà cao tầng ngồn ngột hơi nóng của điều hòa.

Hoa cô quạnh nở nơi ngã tư đường vật vã khói xăng xe. Giờ đây, những chậu cây mini bỗng trở thành niềm yêu thích của không ít dân văn phòng. Để những lúc uể oải trên ghế ngồi, mỏi mắt trước màn hình máy tính, căng thẳng trước áp lực công việc, đau khổ vì sự hiểu lầm của đồng nghiệp, buồn phiền vì chuyện gia đình, sầu muộn về những điều không như ý... mắt vô tình chạm vào sắc hoa kiên nhẫn vươn lên từ những ô đất chật chội lại thấy mình như được an ủi, chở che.

Niềm vui bé mọn mà cỏ hoa mang lại, hóa ra lại có sức mạnh to lớn, đủ để vực dậy những mệt mỏi, rã rời, vỗ về những khi yếu đuối. Hoa lại gửi tặng nhau để làm lành những hiểu lầm. Hoa mang theo những thông điệp mạnh hơn mọi ngôn từ.

Vườn xưa của mẹ không còn. Tôi vẫn luôn mơ về giấc mơ hoa trong nghẹn ngào thương nhớ...

***

Phát triển là một quá trình tất yếu. Không phát triển, con người tự đào thải chính mình, chấp nhận đứng sang bên lề. Nhưng phát triển không phải là sự đánh đổi chính chất lượng sống của con người để rồi chúng ta biến thành những cỗ máy.

Điều đó đòi hỏi quá trình phát triển phải hài hòa, bền vững, thực sự tạo được những nền tảng căn bản, chắc chắn. Công việc to tát ấy đôi khi lại bắt đầu từ chính việc chúng ta biết nâng niu, trân trọng một mầm hoa trong cuộc sống của mình.

Mặc sự thờ ơ, vô tình của con người, hoa vẫn an nhiên nở bên đời, như một lời nhắc nhở...

Tin bài liên quan