Thực ra UDC là mã niêm yết của CTCP xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu từng có thời khá nổi với nhiều kỳ vọng tăng trưởng như một gương mặt mới trên thị trường bất động sản.
Chính thức gia nhập thị trường chứng khoán niêm yết từ năm 2010 với giá chào sàn 20.000 đồng/CP. Ngay sau đó, giá UDC được kéo lên trên 25.000 đồng/CP nhưng rồi như đứt phanh, cổ phiếu này cũng đã lao dốc và rơi xuống 3x sau hơn 1 năm niêm yết.
Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2013 vừa qua, một đợt sóng dậy lên đã giúp UDC được kéo trần 8 phiên liên tiếp lên trên 5x. Rồi từ đó, UDC lại như ngủ quên trên “chiến thắng” và sắc tím cũng ít khi được UDC nhắc tới khiến giá cổ phiếu lại bị đẩy trở về mức 4x.
Chỉ đến tuần vừa qua, từ ngày 24-28/2, UDC đã liên tiếp tăng trần trong 5 phiên đã kéo giá cổ phiếu này từ 4.900 đồng/CP (giá mở cửa phiên 24/2) lên 6.600 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 28/2) với mức biến động 26,92% lớn nhất sàn HOSE.
Trong làn sóng tăng trần theo công thức 4+1, tức là 4 phiên tím và 1 phiên xanh để "né báo cáo" thì sự tăng giá của UDC hấp dẫn hơn, báo hiệu một chu kỳ còn có thể kéo dài.
Đáng chú ý, thanh khoản của UDC cũng có dấu hiệu được cải thiện khá rõ rệt. Nếu kể từ đợt tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2013 đến nay thì con số nửa triệu đơn vị khớp lệnh là khá hiếm hoi đối với UDC thì tuần vừa qua, UDC đã có 1 phiên khớp hơn 770.000 đơn vị và phiên cuối tuần ngày 28/2 đã khớp gần 1,8 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hoa khôi tuần khác, để giải thích cho đà tăng trưởng đột biến của UDC tuần qua rất khó tìm kiếm nguyên nhân. Bởi theo thông tin web của Công ty cũng như thông tin của Sở về UDC rất hiếm hoi.
Theo thông tin báo cáo tài chính quý IV/2013 mới đây nhất của UDC, Công ty chỉ lãi hơn 436 triệu đồng, giảm 81,47% cùng kỳ và lũy kế cả năm cũng chỉ lãi 616 triệu đồng, giảm 83,6% năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2013 vẫn ở mức âm gần 966 triệu đồng.
Với con số kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thông tin dự án không có gì mới mẻ, ngoại trừ những kế hoạch chiến lược trong tương lai chủ yếu là chuyển nhượng dự án, tìm kiếm và thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng, bở sung vốn lưu động…, đợt sóng này có kéo dài hơn hồi cuối năm 2013 hay không cũng chỉ như “người lùn” VID của tuần trước?
Tuần trước đó, VID của CTCP đầu tư phát triển Thương mại Viễn Đông đã nhanh chóng nắm giữ ngôi vị hoa khôi tuần bởi việc bất ngờ lãi lớn trong quý IV/2013 và thoát án hủy niêm yết.
Tuy nhiên, với thị trường tăng nóng, nhiều mã trên sàn cũng đua nhau tăng giá khiến VID nhanh chóng bị “hất chân” ra khỏi ngôi vị trên để dành lại cho những mã nóng khác. Và tuần này, VID không những bị loại khỏi top 10 mã tăng giá mạnh mà quay về đà giảm điểm, giá VID đã giảm từ 5.600 đồng/Cp xuống còn 5.300 đồng/CP, tương ứng giảm 5,36%.