Tuần giao dịch chỉ với hai phiên nhưng cũng đủ làm cho tên tuổi KDC đã nổi lại càng nổi hơn. Là cổ phiếu bluechip có thị giá khá cao trên sàn HOSE nhưng tuần qua cùng phiên giao dịch ngày 27/1, giá cổ phiếu KDC đã được đẩy từ mức 56.000 đồng/CP (giá mở cửa ngày 27/1) lên 64.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 7/2) và nhảy vào top 10 mã tăng trưởng mạnh nhất tuần với mức biến động 14,29%.
Nếu so sánh có lẽ chỉ một cựu hoa khôi khác là PVX là có thể cạnh tranh, đặc biệt là "cú xả" 27 triệu cổ phiếu mà vẫn giữ được giá trần phiên thứ Sáu (7/2).
Nhưng thực tế PVX từng có nhiều phiên giao dịch trên 20 triệu cổ phiếu, đặc biệt phiên 20/12/2013, khối lượng khớp lệnh còn lên tới 27,8 triệu cổ phiếu. Vì lý do này nên PVX không thực sự mang đến nhiều ngạc nhiên.
Còn với KDC, điểm tạo nên "vẻ đẹp" không chỉ là sự tăng giá mạnh mà là "nghịch lý" khi đối tác Glico của Nhật Bản thoái tới nửa lượng cổ phiếu nắm giữ. Những tưởng KDC sẽ bị tác động, nhưng thay vì giảm KDC lại trần "đét" và lực cầu tỏ ra không ngần ngại dù thị trường hai phiên khai xuân giảm điểm khá mạnh.
Cụ thể, trong những phiên giao dịch của tháng 1, khối ngoại chủ yếu bán ra khá mạnh cổ phiếu KDC. Riêng phiên 22/1, KDC bị bán thỏa thuận 8,4 triệu cổ phiếu (tương ứng với số cổ phiếu Glico thoái) kéo tổng giá trị bán ròng lên đến hơn 435 tỷ đồng.
Để tìm hiểu nguyên khiến KDC tăng mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản 2 phiên sau Tết, trên website của Công ty cũng như công bố thông tin trên Sở không có một tin mới hỗ trợ nào cho KDC ngoại trừ các thông tin về giao dịch cổ đông đã cũ và kết quả kinh doanh trong quý III/2013.
Tất nhiên, việc tăng trần có lý do của nó chứ không thuần túy như phân tích trên. Thời gian qua, “room” của nhà đầu tư nước ngoài tại KDC không lúc nào trống, nên khi Kinh Đô cho biết kế hoạch phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược (phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu) thì các nhà đầu tư không khỏi đặt vấn đề là Kinh Đô sẽ làm thế nào?
Nay “room” bắt đầu trống là điều kiện để đối tác chiến lược thực hiện kế hoạch. Trên thực tế, lực cầu ngoại chiếm tới 2/3 khối lượng được khớp phiên cuối tuần. Điều này giải thích vì sao Glico bán cổ phiếu mà giá KDC lại lên trần.
Trong khi đó, hoa khôi tuần thứ ba tháng 1/2014 là VLF lại rớt hạng khá mạnh. Không chỉ bị đánh bật khỏi vị trí số 1 các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần của HOSE, VLF còn bị đẩy vào top 15 mã có mức giảm mạnh nhất. Sau thời kỳ tăng trần mạnh bởi nguyên nhân không mấy sáng sủa ngoài kết quả kinh doanh bêt bát, VLF đã có nhiều phiên giảm sàn và thanh khoản của cổ phiếu tiếp tục đì đẹt.
Những hoa khôi các tuần trước đó như FLC, GGG trong 2 phiên đầu năm cũng tạo đôi chút dấu ấn.GGG thì trở lại với "ngày xưa" của mình khi không ngược nổi dòng.
Duy có FLC vẫn tạo được chú ý với giao dịch khá lớn đều hơn 5 triệu cổ phiếu/phiên, và diễn biến vô cùng... gay cấn. Đôi khi có cảm giác như một cuộc "đấu" giữa hai đội bán và mua khi một bên muốn kéo giá lên, một bên muốn dìm giá xuống.
Rất có thể sang tuần tới, FLC lại giành lại ngôi của mình khi giao dịch dự báo sẽ căng thẳng trước ngày chốt quyền phát hành tỷ lệ 1:1.