Nợ xấu có quan ngại
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, nợ xấu đang có xu hướng tăng lên và là một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2022. Dự báo năm 2022, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%, nếu tính cả nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ tiểm ẩn khoảng 7,31%.
Về phía cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên. Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn, có thể lên tới 3,79%.
Theo ông Tú, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông 01, Thông tư 03, Thông tư 14 thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 8,2%. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro và tăng trích dự phòng.
Trong khi đó, các nhà băng lại khá tự tin về việc xử lý nợ xấu. Chia sẻ về thực trạng nợ xấu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, lượng hồ sơ xin tái cơ cấu nợ của Ngân hàng bắt đầu giảm từ tháng 10/2021 và đặc biệt kể từ tháng 11/2021, nhiều khách hàng được cơ cấu trả nợ đến tháng 6/2022 nhưng đã trả trước.
Theo ông Tùng, nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19 của OCB vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng dư nợ. Các khoản nợ cơ cấu luôn là vấn đề các ngân hàng nói chung và OCB nói riêng phải lên kế hoạch rà soát, kiểm soát từ đầu năm để có giải pháp phù hợp, đồng hành hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn tạm thời để hồi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì sẽ sớm trả được nợ vay.
Lãnh đạo ABBank cho biết, Ngân hàng đã và đang chú trọng việc đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và khả năng, thời điểm phục hồi sản xuất - kinh doanh của khách hàng để thực hiện phương án cơ cấu nợ phù hợp. Đồng thời, Ngân hàng theo dõi chặt chẽ, giám sát khả năng trả nợ theo phương án tái cơ cấu.
Thực tế, trong quý IV/2021, nợ xấu của nhiều ngân hàng không tăng, thậm chí 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối còn giảm. Cụ thể, kết thúc năm 2021, dư nợ bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020, tương đương mức 1,14 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm ở mức 1,3%, dư nợ xấu của ngân hàng này ước khoảng 14.800 tỷ đồng.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu BIDV đến cuối 2021 đã giảm mạnh xuống mức 0,81%, thấp hơn 0,73% so năm 2020. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Với dư nợ tín dụng tăng 11,8%, lên 1,33 triệu tỷ đồng, có thể tính được số dư nợ xấu ngân hàng này vào khoảng gần 10.800 tỷ đồng, giảm gần một nửa so cuối quý III/2021 cũng như cuối năm 2020.
Với Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng cuối năm 2021 được kiểm soát ở mức 0,63%, tăng nhẹ 0,01% so với đầu năm, nhưng giảm gần một nửa so với cuối quý III/2021. Với dư nợ tín dụng cùng thời điểm ở mức 963.670 tỷ đồng, ước tính quy mô nợ xấu của Vietcombank khoảng gần 6.100 tỷ đồng, tức giảm khoảng 4.800 tỷ đồng trong quý IV/2021.
Như vậy, tại thời điểm cuối quý IV/2021, dư nợ xấu của 3 ngân hàng quốc doanh nói trên là khoảng 31.700 tỷ đồng, giảm hơn 18.700 tỷ đồng so với cuối quý III/2021 và giảm khoảng 4.400 tỷ đồng so với năm 2020.
Chủ động kiểm soát
Để chủ động kiểm soát nợ xấu, trong quý IV/2021, nhiều nhà băng đã gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro.
Gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro để kiểm soát nợ xấu, đồng thời giúp ngân hàng tránh được những cú sốc đột ngột trong bảng cân đối kế toán.
Cụ thể, Vietcombank công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) cao kỷ lục ngành ngân hàng, ở mức 424%. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng.
Với dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2021 là 963.670 tỷ đồng và 0,63%, quy mô nợ xấu nội bảng và quỹ dự phòng của Vietcombank sẽ ở mức 6.070 tỷ đồng và 25.740 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, Ngân hàng vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 235%. Con số này tại thời điểm 30/9/2021 mới chỉ đạt 140% và cuối năm 2020 là gần 89%.
Điều đáng nói, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV tăng vọt ở quý IV/2021 trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này được báo cáo giảm rất mạnh. Theo đó, dư nợ xấu vào cuối năm 2021 ước tính hơn 10.700 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 21.400 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021.
Tại VietinBank, khả năng phòng thủ nợ xấu cũng tăng đáng kể khi tỷ lệ bao phủ đạt 171% tính đến cuối năm 2021, tăng mạnh so với mức 119% vào cuối tháng 9/2021 và 132% của cuối năm 2020.
Đồng thời, VietinBank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro từ 14.000 tỷ đồng lên khoảng 17.000 tỷ đồng. Theo lý giải của ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank, việc tăng chi phí dự phòng nhằm đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có thể tạo bộ đệm dự phòng tốt nếu năm 2022 có những biến cố xảy ra.
Không chỉ có các "ông lớn", tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng cũng tăng nhanh tại một loạt ngân hàng tư nhân. Đến cuối tháng 9/2021, Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%, MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%. Kết thúc quý đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức 0,74%, bao phủ nợ xấu khoảng 200%.
Việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng ngoài phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro của từng nhà băng, còn chịu chi phối của các quy định cụ thể. Theo quy định của Thông tư 14, các ngân hàng phải trích tối thiểu 30% dự phòng trong năm 2021 đối với các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng Covid-19 và trích thêm 30% mỗi năm trong 2 năm tiếp theo.
Quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, song lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho hay, “cơm không ăn gạo còn đó”, việc gia tăng dự phòng sẽ mang lại an toàn cho ngân hàng. Đồng thời, bộ đệm tín dụng tốt cũng sẽ giúp ngân hàng tránh được những cú sốc đột ngột trong bảng cân đối kế toán.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng, Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng giải pháp xử lý nợ xấu do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc kéo dài thời hạn tối đa này là khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.
Nhưng về lâu dài, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm trở lại hoạt động bình thường.