Nhiều đại biểu cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng khi hóa giải những thách thức này thì đây chính là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
“Tình trạng nền kinh tế có tiền nhưng giải ngân không được kéo dài. Đơn cử, Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương ở TP.HCM rất cần vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng đang có tình trạng giải ngân chậm do cả địa phương, lẫn các bộ, ngành còn lúng túng, bị động về thủ tục thanh toán, giải ngân. Tôi đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là với các dự án trọng điểm”, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) nói.
Từ thực tiễn trên, các đại biểu Quốc hội trông đợi Luật Đầu tư công sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, sẽ tạo cú huých tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế hiện tại, để nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước được giải ngân thông thoáng và hiệu quả hơn.
“Hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước được cải thiện sau khi có Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, thực tiễn đang bộc lộ không ít vướng mắc, dẫn đến thời gian triển khai dự án kéo dài, nên Luật Đầu tư công sửa đổi được trình ra Kỳ họp thứ 7 này của Quốc hội thông qua cần khắc phục được những bất cập hiện nay”, đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) kỳ vọng.
Liên quan đến thủ tục giải ngân vốn đầu tư từ khu vực nhà nước còn vướng mắc, nhiều đại biểu cho rằng, tuy Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các rào cản kinh doanh, nhưng kết quả còn hạn chế.
“Sự phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau, giữa các bộ, ngành với địa phương trong cải cách hành chính chưa có nhiều tiến bộ thực chất... Đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh tình trạng này từ nay đến cuối năm”, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nói.
Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp luôn có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp tiếp sức cho khu vực doanh nghiệp này vẫn thiếu yếu tố mang tính đột phá, nên chưa phát huy được tính bền vững về sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Đức trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ở Đức, những doanh nghiệp nhỏ và vừa được đầu tư theo chiều sâu, nhiều sản phẩm của họ, chẳng hạn một số linh kiện cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay được cả thế giới tin dùng nhờ có những bí quyết công nghệ riêng. Do đó, đối tượng doanh nghiệp này có đóng góp quan trọng trong nền công nghiệp của Đức, chứ không phải chỉ có vài thương hiệu lớn.
“Ở Việt Nam, lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn chiếm tỷ lệ cao nên bên cạnh chính sách phát triển các doanh nghiệp lớn cần có giải pháp trọng tâm, đột phá, hiệu quả trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả với các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Thịnh đề xuất.
Đáng chú ý, một lượng lớn nguồn lực của Nhà nước đang bị “chôn chân” trong các doanh nghiệp nhà nước, cũng như các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần. Thế nhưng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm trễ kéo dài, dẫn đến nguồn lực này có rủi ro lãng phí, không hiệu quả. Khắc phục được hạn chế này, theo các đại biểu Quốc hội, sẽ có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế ở các địa phương lẫn Trung ương…
Liên quan đến giải pháp điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm, Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp như: giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn; khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia; đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu…